Cộng hòa Czech (CH Czech) tuyên bố không tham gia chương trình phát triển và phân phối vaccine ngừa COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 19-8, Bộ trưởng Y tế CH Czech Adam Vojtech thông báo nước này sẽ không tham gia chương trình COVAX về vaccine ngừa COVID-19. Chương trình này do WHO, Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) phối hợp quản lý.
"Chúng tôi sẽ không tham gia sáng kiến của WHO vì nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi ít được hưởng lợi từ các quy định (trong COVAX - PV) hơn so với việc là một phần trong sáng kiến của châu Âu" - ông Vojtech nói.
Ông Vojtech cho biết cùng nhiều nước châu Âu khác, CH Czech đã tham gia quá trình đàm phán với các nhà sản xuất vaccine. Trong đó, việc thương thảo với công ty AstraZeneca (Anh) đang "tiến triển rất nhanh" và Prague sẽ sớm tham gia thỏa thuận chung giữa Liên minh châu Âu (EU) và công ty dược này.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtech. Ảnh: CZECH RADIO
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 18-8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cùng tham gia chương trình COVAX.
Ông Tedros nhắc lại rằng những lợi ích đối lập nhau giữa các nước và sự chênh lệch giữa cung và cầu vật tư xét nghiệm COVID-19 và trang thiết bị bảo hộ đã và đang là những vấn đề lớn đối với ngành y tế toàn cầu.
"Chủ nghĩa dân tộc về cung ứng (các sản phẩm y tế - PV) đã làm đại dịch trầm trọng hơn và là một phần nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của chuỗi cung ứng y tế toàn cầu" - ông Tedros nói.
Tổng Giám đốc WHO hy vọng những vấn đề này không tái diễn trong lĩnh vực vaccine ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh thế giới "cần ngăn cản chủ nghĩa quốc gia về vaccine".
Ông Tedros cho rằng để khống chế đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế toàn cầu, một trong những việc cần làm đầu tiên là "bảo vệ những nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất ở bất kỳ đâu hơn là bảo vệ toàn bộ người dân ở chỉ một vài quốc gia".
Theo trang tin FirstPost, ít nhất 92 quốc gia đã đồng ý tham gia COVAX. WHO mong muốn các nước này sẽ ký kết một văn kiện chung vào ngày 31-8 tới.
Theo ông Tedros, quá trình tiêm ngừa COVID-19 nên diễn ra theo hai giai đoạn. Đầu tiên, các nước cần đồng thời tiêm chủng để giảm nguy cơ dịch bệnh toàn cầu. Ở giai đoạn hai, từng nước sẽ xem xét mức độ nguy cơ riêng để đưa ra chính sách phù hợp.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Tuần trước, EU đã thống nhất mua ít nhất 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 (tiềm năng) mà AstraZeneca đang nghiên cứu phát triển. EU nói rằng sẽ tiếp tục đàm phán hợp đồng này và thuyết phục thêm những đối tác cung ứng vaccine ngừa COVID-19 mới.
Chính phủ CH Czech bày tỏ ý định mua bảy triệu liều vaccine và ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế và nhân viên tham gia các công tác xã hội, người cao tuổi và những người đã có bệnh lý nền.
Với việc mỗi người cần tiêm hai mũi vaccine, CH Czech dự định 3,5 triệu người trong tổng số 10,7 triệu dân của nước này sẽ được tiêm chủng trong đợt đầu.
Theo chuyên trang thống kê Worldometers, CH Czech đã phát hiện 20.798 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, 404 trường hợp đã tử vong.
Trong khi đó, Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng có những hướng đi riêng cho chương trình vaccine ngừa COVID-19 của mình.
Nga và Trung Quốc đã tự phát triển và đăng ký những loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Quá trình thử nghiệm vẫn tiếp tục ở Trung Đông và Nam Mỹ nhưng cả Nga và Trung Quốc đều coi việc bảo vệ người dân của mình là mục tiêu trước tiên.
Mỹ đã ký một loạt hợp đồng với các hãng dược lớn trên thế giới để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19. Mục tiêu của Washington là đến cuối tháng 1-2021, Mỹ sẽ có 300 triệu liều vaccine cho người dân nước này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, quốc hội nước này đã đồng ý chi gần 10 tỉ USD cho các hoạt động liên quan tới vaccine ngừa COVID-19.
Tính đến 11 giờ sáng 20-8 (theo giờ Việt Nam), ít nhất 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã phát hiện tổng cộng hơn 22.579.000 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong đó, hơn 791.000 bệnh nhan đã tử vong, theo Worldometers.
Với hơn 5,7 triệu ca nhiễm - bao gồm hơn 176.300 trường hợp đã tử vong, Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới.