COVID-19: Châu Âu dần sáng sủa, Mỹ tiếp tục đau thương

Ngày 5-4 (giờ địa phương), tình hình đại dịch COVID-19 ở một số điểm nóng châu Âu tiếp tục xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Trong khi đó những tuần "khó khăn nhất" trong cuộc chiến chống dịch ở Mỹ thực sự còn ở phía trước, đài CNA bình luận.

Ở Tây Ban Nha, số ca tử vong đã giảm ngày thứ ba liên tiếp. Ý có số ca tử vong thấp nhất trong hơn hai tuần qua. Còn số ca tử vong ở Pháp giảm ngày thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, người dân Mỹ có thể phải chuẩn bị cho con số thương vong "rất khủng khiếp" trong vài ngày tới.

Châu Âu lạc quan trong thận trọng

Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu với 130.759 ca nhiễm, 12.418 người chết, tính đến hết ngày 5-4.

Số ca tử vong trong ngày 5-4 là 674, tăng 6% sau 24 giờ, mức tăng chỉ bằng một nửa so với tuần trước đó.

Một bệnh nhân được chuyển từ BV Gregorio Marinon đến bệnh viện dã chiến IFEMA do tình trạng sức khỏe tốt dần. Ảnh: INDEPENDENT

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu - ông Hans Kluge viết trên Twitter rằng: "Sự lạc quan thận trọng (của Tây Ban Nha - PV) là kết quả của các biện pháp táo bạo, cách tiếp cận sáng tạo và quyết định can đảm".

Trong khi đó, Ý đang có tổng cộng 128.948 ca nhiễm (tăng 4.316 trường hợp so với ngày 4-4) và 15.887 người chết (tăng 525 trường hợp so với ngày 4-4).

Dù vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới nhưng có vẻ như Ý đang dần xoay chuyển tình thế.

"Đường cong dịch bệnh đã bắt đầu đi xuống và số người chết đã bắt đầu giảm" - Giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý - ông Silvio Brusaferro nói.

Ông cho biết nếu xu hướng này tiếp tục trong vài ngày tới, Ý có thể xem xét nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý - ông Angelo Borrelli dù cho rằng việc số ca tử vong giảm "là thông tin tốt lành" nhưng "chúng ta không nên mất cảnh giác".

Còn ở Pháp, số ca nhiễm mới và số trường hợp tử vong những ngày gần đây liên tục giảm, sau khi tăng vọt hôm 3-4 do nước này thay đổi cách thống kê. Từ ngày 2-4 trở về trước Pháp chỉ thống kê nhiễm-chết từ số liệu các bệnh viện. Từ ngày 3-4 trở đi, bên cạnh số liệu các bệnh viện, Pháp bắt đầu thống kê cả số nhiễm-chết từ các nhà dưỡng lão trên cả nước vào số liệu tổng.

Tổng số ca nhiễm hiện là 70.478 với 8.078 người tử vong (tăng 357 người so với ngày 4-4).

Số  bệnh nhân trong trạng thái nguy kịch gần 7.000 người, tăng 140 người so với một ngày trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều ngày qua.

Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Pháp Laurent Nunez nhấn mạnh "việc kết thúc các lệnh hạn chế là chưa khả thi, hạn chót (cho lệnh hạn chế - PV) chưa được ấn định".

Ông cũng nhắc nhở người dân Pháp không nên chủ quan và tuân thủ quy tắc chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Mỹ u ám, sẽ tới 2.644 người chết một ngày vào đỉnh dịch

Số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 5-4 ở Mỹ là 1.165 - mức tử vong trong ngày cao nhất thế giới và gần bằng số ca tử vong mới ở Ý và Tây Ban Nha trong cùng ngày cộng lại, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.

Số ca nhiễm mới trong ngày 5-4 ở Mỹ là 25.316, chiếm hơn 35% tổng số ca nhiễm mới COVID-19 trong cùng ngày trên toàn cầu.

Theo dự đoán của Viện Nghiên cứu và đánh giá y tế (Mỹ), biểu đồ số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có thể sẽ lên cao nhất vào ngày 16-4 (theo dự đoán sẽ tới 2.644 người chết trong ngày này). Và phải đến ngày 11-5, số ca tử vong trong ngày mới giảm xuống mức dưới 1.000 trường hợp.

Cũng theo tính toán, trong ngày 16-4, toàn nước Mỹ có thể cần tới hơn 25.000 máy thở, hơn 140.500 giường bệnh cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 và gần 29.500 giường bệnh cho ca bệnh cần điều trị tích cực. 

Một hàng xe cứu thương ở TP New York (Mỹ) chờ đưa các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến bệnh viện ngày 4-4. Ảnh: AP

Hiện nay, Mỹ vẫn đang vật lộn trong việc tìm ra cách tốt nhất để khống chế dịch bệnh và thuyết phục người dân tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền.

Các nhà thờ ở TP Houston, bang Texas vẫn có các hoạt động cầu nguyện trong ngày 5-4. Trong khi một mục sư ở bang Louisiana tiếp tục tổ chức các buổi lễ tại nhà thờ.

Thống đốc bang Louisiana - ông John Bel Edwards đã phải bức xúc gọi hành động của mục sư trên là "cực kỳ vô trách nhiệm".

Dân Mỹ khó thích nghi chuyện đeo khẩu trang vì sợ bị kỳ thị

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia cả phương Tây lẫn phương Đông đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, song vẫn nhắc nhở người dân sử dụng hợp lý và để dành khẩu trang chuyên dụng cho các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo này từ ngày 3-4. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là một chuyện khó thích nghi đối với người dân Mỹ.

Bà Jessica Berg - một chuyên gia y tế tại ĐH Case Western Reserve (bang Ohio, Mỹ) cho rằng người Mỹ "xem những người đeo khẩu trang là người ốm và có xu hướng kỳ thị họ", theo tạp chí Time.

Trong khi ở văn hóa phương Đông, người dân cảm thấy không xa lạ với việc đeo khẩu trang vì họ "đeo khẩu trang trong suốt mùa cúm để bảo vệ người khác", bà Berg nói.

Phó Giám đốc chương trình y tế cộng đồng của Viện Berman, ĐH Johns Hopkins (Mỹ) - bà Nancy Kass kể với PV Time rằng bà đã được nghe nhiều về việc người đeo khẩu trang ở Mỹ bị phản ứng thái quá.

"Một người bạn của tôi sống ở một tòa nhà chung cư, khi anh ta đeo khẩu trang thì những người khác sẽ không đi chung thang máy với anh ta" - bà Kass kể.

Một người bạn khác kể rằng "Tôi đã bắt đầu đeo khẩu trang khi đến cửa hàng tạp hóa và mọi người tránh xa tôi", bà Kass thuật lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm