Nhìn chung, dịch COVID-19 thế giới 24 giờ qua vẫn trên đà tăng, dù có một số ít nước ổn định dần.
Dự kiến ngày mai (26-3), các lãnh đạo G20 sẽ họp qua điện thoại bàn về COVID-19 dưới sự chủ trì của vua Salman của Saudi Arabia, hãng tin Reuters cho biết. Truyền thông Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham gia.
Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới với 81.218 ca nhiễm, 3.281 người chết.
Ngày 25-3, Trung Quốc thông báo số ca nhiễm mới tiếp tục giảm (47 ca trong ngày 24-3, so với 87 ca ngày trước đó). Đặc biệt, số ca nhiễm nhập cảnh cũng giảm và không có ca nhiễm mới nội địa nào, kể cả ở tâm dịch Hồ Bắc.
Vạn Lý Trường Thành đã mở cửa tham quan trở lại ngày 24-3, sau thời gian đóng cửa vì COVID-19 . Ảnh: REUTERS
Tình hình dịch ổn định dần, tỉnh Hồ Bắc hôm nay đã dỡ bỏ phong tỏa, riêng thủ phủ Vũ Hán thì sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8-4. Tuy nhiên, nghiên cứu của một nhóm bác sĩ Trung Quốc cho rằng khả năng vẫn còn hàng ngàn ca nhiễm ở Vũ Hán chưa được phát hiện.
Ý vẫn là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới và thứ nhất châu Âu với 69.176 ca nhiễm, 6.820 người chết.
Mức tăng số người chết trong ngày 24-3 ở Ý (743) nhiều hơn số người chết trong ngày trước đó (601). Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu lạc quan khi mức nhiễm mới chậm lại. Số ca nhiễm mới trong ngày 24-3 chỉ tương đương 8% tổng ca nhiễm, bằng tỉ lệ ngày trước đó, và là mức thấp nhất kể từ đầu dịch. Tỉ lệ nhiễm mới mỗi ngày hồi đầu tháng 3 có lúc lên 50%.
Tập trung chờ được nhận khẩu trang miễn phí từ một gia đình tự làm tại TP Tuscan, tỉnh Grosseto, vùng Toscana (Ý). Ảnh: REUTERS
Theo các nhà quan sát, tín hiệu lạc quan này là hiệu quả của lệnh phong tỏa toàn quốc. Lệnh phong tỏa sẽ hết hiệu lực vào tối 25-3 (giờ Ý), nhưng nhiều khả năng sẽ được kéo dài thêm nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nữa, nhiều nhà quan sát nhận định dựa vào diễn biến của dịch tại Ý.
Tính đến chiều 24-3 (giờ địa phương), cả nước Mỹ có 52.215 ca nhiễm với 675 người chết, theo số liệu báo News York Times thu thập được.
Số ca nhiễm mới của Mỹ trong ngày 24-3 chiếm tới 40% số ca nhiễm mới trong ngày này của toàn cầu. Trước đà leo thang ca nhiễm này, ngày 24-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ có thể trở thành tâm dịch COVID-19 toàn cầu.
Tại bang New York - bang có dịch nghiêm trọng nhất nước Mỹ, số ca nhiễm chiếm tới 50% tổng số ca nhiễm cả nước, hiện ở mức 25.665 ca. Trong số đó, TP New York 8 triệu dân đã có tới khoảng 15.000 ca nhiễm với 157 người chết. Đáng chú ý, mức tăng ca nhiễm ở TP New York quá kịch tính: Từ 4.821 ca lên khoảng 15.000 ca chỉ trong 3 ngày.
Có thể nói tình hình ở bang New York xấu đi nghiêm trọng trong ngày 24-3. Riêng số ca nhiễm mới trong ngày 24-3 ở TP New York đã chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm mới trong ngày của cả nước.
Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo họp báo tại một trung tâm hội nghị sẽ sớm chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo nói đỉnh dịch có thể sẽ đến sau 14-21 ngày nữa. Và theo ông thì bang New York có thể sẽ có tới 140.000 người nhiễm vào cao điểm dịch, chứ không phải chỉ 110.000 người như tính toán trước đây. Mà giờ bang này chỉ mới có 53.000 giường bệnh. Ngoài ra, theo ông Cuomo, bang New York đang cần cấp 40.000 máy trợ thở.
Tại bang Washington, nơi xuất hiện dịch đầu tiên ở Mỹ, đang có 2.221 ca nhiễm với 110 người chết. Trong khi đó, bang California (đông dân nhất nước Mỹ) lo ngại mình rồi sẽ sớm như bang New York. Trong số 43 người chết tính đến lúc này của California có một thiếu niên vốn khỏe mạnh, không có bệnh nền. Thống đốc Gavin Newsom của bang California nói bang mình cần ít nhất 50.000 giường bệnh nữa.
Binh sĩ Mỹ bên trong một trung tâm hội nghị sẽ sớm chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Tình hình ở các bang khác những ngày gần đây cũng khiến các chuyên gia lo ngại, dù chưa đến mức báo động như các bang New York, California hay Washington. Chẳng hạn, bang Lousianna vốn chưa có ca nhiễm nào 10 ngày trước thì giờ đã có tới 1.388 ca nhiễm và 46 người chết, theo số liệu thu thập của đài CNN. Số ca nhiễm ở bang Michigan tăng từ 65 tuần trước lên 1.328 chiều 24-3 với 15 người chết. Bang New Jersey thì tới 3.675 ca nhiễm với 44 người chết.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng thảm họa lớn với hai bang New York và Washington, và có thể sẽ với cả bang California sắp tới. Thống đốc bang Lousianna - ông John Bel Edwards cũng đang đề nghị chính phủ liên bang tuyên bố thảm họa với bang mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn nhà báo Fox News về phản ứng với dịch COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Chính quyền nhiều bang đã lên tiếng phàn nàn về sự thiếu phối hợp trong phản ứng liên bang, rằng để mặc từng bang hành động khiến các bang chịu áp lực rất lớn, đặc biệt trong chuyện thiết bị y tế.
Tổng thống Trump thừa nhận khó khăn này và cho biết đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ các bang về y tế. Lãnh đạo tư pháp ở 15 bang và ở thủ đô Washington DC đề nghị ông Trump viện tới Luật Bảo vệ quốc phòng để yêu cầu các công ty tăng cường sản xuất cung cấp vật tư y tế cho chính phủ chống dịch.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 24-3, Tổng thống Moon Jae-in nhận điện thoại của Tổng thống Trump đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ thiết bị y tế chống dịch cho Mỹ. Ông Moon đáp lời rằng Hàn Quốc sẽ hỗ trợ ngay khi có thể. Trong khi đó, Hàn Quốc có kế hoạch tới ngày 27-3 sẽ siết hơn kiểm dịch với người đến từ Mỹ, như đã áp dụng trước đó với người đến từ châu Âu (xét nghiệm và yêu cầu tự cách ly 2 tuần).
Tây Ban Nha có thể coi là nước có diễn biến COVID-19 đáng ngại nhất 24 giờ qua. Tây Ban Nha đứng sau Mỹ với 47.610 ca nhiễm, 3.434 người chết. Số người chết trong 24 giờ qua cao kỷ lục: 728, so với từ đầu dịch đến giờ.
Đường phố Madrid (Tây Ban Nha) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Đức hiện có 34.009 người nhiễm, 172 người chết.
Thủ tướng Angela Merkel vẫn rất khỏe và liên lạc thường xuyên với các thành viên nội các, bà sẽ tham gia các cuộc họp quốc tế qua Internet từ nhà, Reuters dẫn thông báo từ văn phòng chính phủ Đức. Bà Merkel đang cách ly sau khi tiếp xúc một bác sĩ nhiễm COVID-19.
Bang North-Rhine Westphalia đông dân nhất nước Đức có kế hoạch thả khoảng 1.000 phạm nhân để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Việc thả sẽ áp dụng với các phạm nhân còn 18 tháng tù trở lại và không áp dụng với tội phạm tình dục.
Iran đang có 27.017 ca nhiễm với 2.077 người chết.
Khử khuẩn một trụ sở chính quyền ở Tehran (Iran). Ảnh: REUTERS
Iran có kế hoạch cấm dân đi lại dịp tết Ba Tư, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết ngày 25-3.
Anh hiện có 8.077 người nhiễm với 422 người chết. Ngày 24-3, Anh chứng kiến số ca tử vong một ngày cao kỷ lục từ đầu dịch: 87 người. Hiện Anh đã thực hiện được 3,5 triệu xét nghiệm COVID-19.
Theo Reuters, dù chính phủ đã lệnh ở trong nhà nhưng ngoài các đường phố Anh vẫn đông người, thậm chí không giữ đúng khoảng cách 2 m yêu cầu. Cảnh sát sẽ phạt 30 bảng (hơn 800.000 đồng) với người nào tụ tập hơn 2 người. Sẽ có 500 cảnh sát giao thông được triển khai đến các trạm tàu điện khắp nước nhắc nhở người dân về hướng dẫn đi lại của chính phủ.
Chính phủ Anh kêu gọi 250.000 người tình nguyện hỗ trợ hệ thống y tế chống dịch, đồng thời cho biết 1 bệnh viện tạm sẽ đi vào hoạt động ở London vào tuần tới.