COVID-19: Toàn cầu đã hơn 100.000 ca nhiễm

Ngày 6-3, tổng số ca nhiễm toàn cầu vượt quá cột mốc 100.000 sau khi nhiều quốc gia công bố số nhiễm mới tăng đột biến, theo tin từ báo South China Morning Post.

Tính đến nay, dịch COVID-19 đã lan rộng ra 93 quốc gia và vùng lãnh thổ, và khiến gần 3.500 người tử vong.

Dịch chưa có dấu hiệu giảm

Trung Quốc đại lục đứng đầu với 3.070 ca tử vong và 80.651 ca nhiễm. Ý đứng thứ hai về số ca tử vong với 197 người chết, 4.636 người nhiễm. Iran đứng thứ ba về số ca tử vong với 124 người chết, 4.747 người nhiễm. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm với 6.767 người, 44 ca tử vong.

Tại Mỹ, tính đến thời điểm này có 15 ca tử vong, 213 người đã bị nhiễm. Các quan chức y tế bang California hôm 6-3 cho biết 21 người trên du thuyền Grand Princess đang neo ngoài khơi bờ biển California đã bị nhiễm.

Bảng thông báo bán khẩu trang mùa dịch COVID-19 ở Mỹ.  Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, ở khu vực Đông Nam Á ca nhiễm bắt đầu tăng nhanh. Singapore hôm 6-3 thông báo có 13 ca nhiễm mới - mức nhiễm mới nhiều nhất trong một ngày ở nước này từ đầu dịch. Trong số 13 ca nhiễm mới, có một thành viên phi hành đoàn của Singapore Airlines. Trước tình hình dịch bệnh kể trên, Facebook đã đóng cửa các văn phòng ở Singapore để hạn chế lây nhiễm.

Malaysia chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong ngày 6-3 với 28 người nhiễm virus mới được ghi nhận, nâng tổng số ca ở nước này lên tới 83 ca. Đây là số ca nhiễm tăng cao chưa từng thấy trong một ngày của quốc gia đã giữ số ca nhiễm dưới 30 suốt nhiều tuần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi quốc gia nên ưu tiên việc ngăn chặn dịch bệnh, dẫn chứng trường hợp của Iran khi nước này bắt đầu kế hoạch phòng, chống dịch bệnh quá chậm.

Vắng vẻ, ế ẩm

Tình hình dịch khiến nhiều quốc gia đã khuyến cáo người dân làm việc ở nhà, đóng cửa trường học, hủy các sự kiện lớn…

Tại Mỹ, Google, Facebook, Amazon và Microsoft khuyên các nhân viên ở khu vực TP Seattle, bang Washington - tâm dịch làm việc tại nhà sau khi một số người trong khu vực nhiễm virus. Động thái này sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người.

Tại London (Anh), thủ đô tài chính của châu Âu, khu vực bến Canary yên tĩnh lạ thường. Văn phòng Công ty S & P Global vắng lặng sau khi công ty cho 1.200 nhân viên ở nhà. Ngân hàng HSBC tại Anh cũng cho nhân viên làm việc tại nhà sau khi một công nhân nhiễm COVID-19. Facebook cho biết họ sẽ đóng cửa các văn phòng ở London cho đến ngày 9-3 sau khi một nhân viên đến từ Singapore được chẩn đoán đã nhiễm virus.

Các siêu thị, cửa hàng đều hết sạch các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch như khẩu trang, khăn giấy, xà phòng và nước rửa tay khô… Tuy nhiên, xét chung thì kinh tế các nước bị ảnh hưởng nhiều với các khu kinh doanh vắng khách và thị trường chứng khoán sụt giảm.

Chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục trượt dốc. Thị trường chứng khoán Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, với 97% cổ phiếu niêm yết tại sàn giao dịch Tokyo ngập trong màu đỏ. Cổ phiếu của các hãng hàng không và du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề, do tất cả mọi người đều hủy bỏ những chuyến đi không cần thiết.

COVID-19: Toàn cầu đã hơn 100.000 ca nhiễm ảnh 2
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Ecuador. Ảnh: REUTERS

Trong tình hình này, nhiều nước bắt đầu đưa ra các gói chi tiêu chống dịch và giải cứu kinh tế. Ngày 6-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua luật chi tiêu khẩn cấp, chi 8,3 tỉ USD chống dịch COVID-19.

Gói ngân sách khẩn cấp bao gồm 7,8 tỉ USD cho các cơ sở y tế và 500 triệu USD cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể chăm sóc cho người cao tuổi tại nhà, bởi đây là nhóm đối tượng dễ nhiễm virus COVID-19, theo The New York Times.

Nhà Trắng hy vọng gói ngân sách này sẽ giúp xoa dịu mối lo ngại của người dân Mỹ và giúp họ có thêm niềm tin trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan ở nước này.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm