Đại sứ Nga tại London: Sự cố tàu chiến Anh ở Biển Đen là 'cơn ác mộng'

Đại sứ Nga tại London, ông Andrei Kelin cho biết giới chức Moscow đang cố gắng xác nhận thông tin của truyền thông Anh rằng đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gật đầu để một tàu khu trục nước này tiến vào lãnh hải của bán đảo Crimea, hãng tin Sputnik cho hay.

"Cơn ác mộng "

Ngày 23-6, tàu khu trục HMS Defender (trang bị tên lửa dẫn đường) của Hải quân Hoàng gia Anh đã hướng tới cảng Odessa (Ukraine) bên bờ Biển Đen. Phía Nga nói rằng các lực lượng nước này đã bắn cảnh cáo và “ném bom ngăn chặn” khi tàu HMS Defender “xâm nhập” lãnh hải bán đảo Crimea. London xác nhận sự xuất hiện của tàu chiến Anh trong khu vực nhưng bác bỏ chuyện tàu bị trúng đạn.

Ngày 26-6, Đại sứ Kelin cho rằng đây là một “hành vi khiêu khích quân sự” mà chính Anh đã gây ra để “củng cố vị thế chính trị” của mình bất chấp việc điều này có thể gây ra “sự cố quân sự nghiêm trọng”. 

Tàu HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh trong khu vực lãnh hải của bán đảo Crimea, ảnh do máy bay Nga chụp lại. Ảnh: REUTERS

Ông Kelin mô tả sự cố hôm 23-6 như “cơn ác mộng”, đồng thời bình luận rằng quan hệ giữa Nga và Anh đang ở “điểm 0” và do đó, hai bên ngay bây giờ cần thiết khôi phục lại quan hệ.

Hôm 24-6, tờ The Telegraph (Anh) cho hay đích thân ông Johnson đã đồng ý với kế hoạch do Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vạch ra về việc cho tàu HMS Defender tiếp cận lãnh hải Crimea. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab phản đối kế hoạch này.

Bình luận về thông tin này, ông Kelin cho biết phía Nga chưa có được thông tin nào để xác nhận những gìThe Telegraph tiết lộ nên “không vội vàng” đưa ra kết luận về vai trò của ông Johnson.

“Về câu hỏi liệu Thủ tướng (Johnson) và các quan chức cấp cao khác của chính quyền (Anh) tham gia vào việc ra quyết định, tôi chưa có thông tin chính xác. Tôi không biết. Nói thật, tôi không thực sự hiểu rõ về cơ chế ra quyết định này, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân” - ông Kelin nói.

Ông Kelin cũng nhấn mạnh: “Tôi đang suy nghĩ về việc những quyết định này được đưa ra như thế nào. Nếu chúng thực sự được thực hiện theo cách mà các tờ báo (tức The Telegraph) đã mô tả ... nếu điều này thực sự xảy ra thì tất nhiên là rất nghiêm trọng”.

Đại sứ Kelin cũng cho biết ông đang chuẩn bị gặp các quan chức ngoại giao và an ninh của Anh để tìm hiểu rõ những gì đã xảy ra liên quan tới sự cố tàu HMS Defender.

Tướng Anh 'mất ngủ', Nga cảnh báo London sẽ bị tổn hại danh tiếng

Bình luận của ông Kelin được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Anh, Tướng Nick Carter gọi sự cố ở lãnh hải Crimea là một ví dụ cho trường hợp một “sự leo thang không có lý do xác đáng” có thể dẫn tới các “tính toán sai lầm”. Ông Carter nói rằng ông “mất ngủ” vì lo lắng vấn đề này.

Ngay khi sự cố xảy ra, phía Anh đã giải thích rằng tàu khu trục của nước này chỉ thực hiện quyền “qua lại không gây hại” trong vùng lãnh hải của bán đảo Crimea - khu vực mà London công nhận là một phần lãnh thổ của Ukraine chứ không phải của Nga.

Năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý của người dân địa phương. Các nước phương Tây, bao gồm Anh, không công nhận vụ sáp nhập này.

Phía Nga kịch liệt phản đối hành động của tàu chiến Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova hôm 26-6 nhắc lại lập trường của Moscow, đồng thời nhấn mạnh sự cố cách đó ba ngày chắc chắn ảnh hưởng tới danh tiếng của London.

“Đây không chỉ là hành vi gây bất ổn của (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) NATO, đây là hành vi khiêu khích. Hành vi của tàu khu trục Anh ở Biển Đen khiến họ không có bất kỳ cách nào để giải thoát khỏi tình hình” - bà Zakharova nói.

Bà Zakharova cũng cáo buộc hành động của Anh, cùng với các cuộc tập trận mà Ukraine và phương Tây tiến hành trong năm nay ở khu vực này là nhằm duy trì “tình trạng bất ổn không dứt dọc theo biên giới của Nga” và kích động Nga phản ứng để các nước có cớ nói Moscow “gây hấn”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm