Theo tờ The Straits Times, Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ hôm 31-5, trong diễn đàn thường niên lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ có bài phát biểu tại các phiên họp toàn thể về các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh khu vực.
Cùng với đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và mang tính xây dựng quan hệ giữa hai siêu cường.
Cuộc đối thoại kéo dài ba ngày, được tổ chức tại khách sạn Shangri-La, diễn ra vào thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng này cho phép các bộ trưởng quốc phòng, chỉ huy quân sự, lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực tham gia thảo luận, và được tổ chức hàng năm kể từ năm 2002 bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại London (IISS).
Cuộc đối thoại kéo dài ba ngày, được tổ chức tại khách sạn Shangri-La. Ảnh: MARK CHEONG
Các tuyên bố của giới chức Mỹ và Trung Quốc và những người có ảnh hưởng chính sách về mối quan hệ song phương của họ trước các cuộc thảo luận dường như đang lấn át các vấn đề quan trọng khác sẽ được đưa ra tại diễn đàn - bao gồm lo ngại về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Triều Tiên, an ninh mạng, an ninh biển và các vấn đề an ninh khác.
Trung Quốc vẫn là ưu tiên quốc phòng hàng đầu của Mỹ mặc dù các mối đe dọa ở Trung Đông và Triều Tiên sẽ "tiêu tốn" thời gian.
"Thực hiện Chiến lược quốc phòng là ưu tiên hàng đầu của tôi, (và) Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu", ông Shanahan cho hay.
Trong khi đó Tướng Ngụy Phượng Hòa, dẫn đầu phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại năm nay, sẽ nói về hợp tác an ninh quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bắt tay với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 30-5. Ảnh: MARK CHEONG
Đây chỉ là lần thứ hai một Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sẽ tham dự diễn đàn. Lần cuối cùng là vào năm 2011, nhân kỷ niệm 10 năm đối thoại, khi Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Lương Quang Liệt tham dự cuộc họp.
Các chuyên gia cho biết sự tham gia cấp cao của Trung Quốc báo hiệu ý định sử dụng các cơ hội quan trọng để làm rõ hoặc bảo vệ vị thế của mình.
Ông Li Mingjiang, Phó giáo sư và điều phối viên của chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược, Singapore, nói với The Straits Times rằng chuyến thăm của Tướng Ngụy Phượng Hòa trong cuộc đối thoại có liên quan đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thêm vào đó, ông Li phân tích rằng có vẻ như khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể là tâm điểm tại diễn đàn và Trung Quốc có thể muốn đưa ra một số đề xuất của riêng mình về cải thiện an ninh khu vực.
Trong bài phát biểu quan trọng vào hôm 31-5, Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ nêu bật vai trò của Singapore và các quốc gia nhỏ khác có thể đóng vai trò trong việc củng cố trật tự thế giới.
Cuộc đối thoại năm nay sẽ có 33 đại biểu cấp bộ trưởng và hơn 30 chỉ huy lực lượng quốc phòng và quan chức quốc phòng cấp cao, cũng như các học giả nổi tiếng từ 47 quốc gia tham dự cuộc đối thoại.