Gần nửa triệu công ty Trung Quốc đã đóng cửa vô thời hạn trong quý đầu tiên của năm 2020 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, báo South China Morning Post đưa tin.
Dẫn thông tin từ cơ sở dữ liệu thương mại Tianyancha của Trung Quốc, South China Morning Post cho biết trong ba tháng đầu năm 2020, hơn 460.000 công ty nước này đã dừng hoạt động hoặc hết thời hạn giấy phép hoạt động.
Hơn một nửa trong số các công ty trên có thời gian hoạt động chưa tới ba năm và khoảng 26.000 công ty từng có hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Cũng theo Tianyancha, chỉ có khoảng 3,2 triệu doanh nghiệp Trung Quốc được thành lập mới trong quý I-2020, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa số doanh nghiệp mới là các công ty phân phối và bán lẻ.
Hơn 460.000 công ty Trung Quốc đã đóng cửa trong quý I-2020. Ảnh: SCMP
Ở TP Đông Hoản (Dongguan) - trung tâm công nghiệp thịnh vượng một thời ở tỉnh Quảng Đông - hình ảnh những cửa tiệm và nhà máy bị đóng cửa đang dần trở nên quen thuộc trong mùa dịch COVID-19.
Trong tháng 3, công ty đồ chơi Dongguan Fantastic đã phải đóng cửa do khan hiếm các đơn đặt hàng xuất khẩu. Nhiều công nhân của công ty chưa thể nhận được tiền lương, buộc chính quyền địa phương phải yêu cầu chủ doanh nghiệp phải trả hết phần lương còn nợ đọng.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác buộc phải nộp đơn xin phá sản. Họ có thể cần tới vài tháng để hoàn thành thủ tục theo quy định của pháp luật nước này.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng thủ tục phức tạp, cùng với tâm lý hy vọng dịch bệnh sẽ đi qua và nền kinh tế sẽ phục hồi, có thể khiến nhiều doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nhỏ) lựa chọn các giải pháp tạm thời đóng cửa thay vì nộp đơn xin phá sản ngay lập tức.
Số lượng lớn các doanh nghiệp đóng cửa là ví dụ rõ ràng cho những thách thức mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo quý 1 năm nay có thể là giai đoạn tăng trưởng âm đầu tiên của nền kinh tế Trung Quốc kể từ sau năm 1976.
"Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát trên quy mô lớn tình hình dịch COVID-19 và sự gián đoạn nguồn cung trong nước lúc này hầu như đã biến mất", hai chuyên gia kinh tế Yao Wei và Michelle Lam thuộc Ngân hàng Societe Generale (Pháp) nhận định.
Tuy nhiên, hai nữ chuyên gia cho rằng dịch bệnh đang tiếp tục gây ra các tác động dài hạn cho nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh sự suy giảm nhu cầu trong nước, Bắc Kinh còn vật lộn với tác động từ bên ngoài khi hàng loạt các nền kinh tế lớn khác tiến hành các biện pháp phong tỏa để phòng dịch.
Trước nguy cơ suy thoái trong quý I, nhiều chuyên gia đã tranh luận về khả năng Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Chuyên gia Ma Jun thuộc Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên hạ mục tiêu tăng trưởng vì còn nhiều điều chưa chắc chắn về đại dịch lần này.
Tương tự, kinh tế gia Yu Yongding thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng chính phủ vẫn nên kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong năm nay nhưng cần có mục tiêu thực tế hơn, theo báo Tài Tân (Trung Quốc).
Hiện nay, Trung Quốc đang dần khống chế được tình hình dịch bệnh. Trong ngày 6-4, nước này báo cáo thêm 32 ca nhiễm mới (tất cả đều là người nhập cảnh từ nước ngoài) và không có thêm bệnh nhân tử vong vì COVID-19, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó, thế giới đã có 1.347.235 người nhiễm COVID-19, 74.767 bệnh nhân tử vong và 286.234 bệnh nhân đã được chữa khỏi (tính đến 11 giờ 30 phút trưa 7-4), theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometer.