Hãng tin Sputnik ngày 24-1 dẫn nguồn một nhân viên giấu tên thuộc văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết phía nước này đang tiến hành đàm phán với chính quyền tân Tổng thống Joe Biden về số phận thoả thuật hạt nhân ký kết năm 2015 (JCPOA).
Chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump rút khỏi thoả thuận này vào năm 2018, tới đầu năm 2020 thì đến lượt Iran tuyên bố mình không còn ràng buộc với các nghĩa vụ trong thoả thuận.
Cụ thể, nhân viên nói trên cho biết Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Rawanji đang là đại diện chính của Tehran trao đổi với Washington và được cho là đang chuẩn bị gửi một danh sách bảy điều kiện phía Mỹ cần đáp ứng nếu muốn Iran quay lại bàn đàm phán hạt nhân.
Phái đoàn ngoại giao Mỹ (trái) trong một phiên đàm phán về vấn đề hạt nhân với Iran (phải) hồi tháng 7-2016. Ảnh: REUTERS
Theo Sputnik, yêu cầu thứ nhất là Iran muốn được dỡ cấm vận kinh tế hoàn toàn trước khi nước này quay trở lại JCPOA.
Yêu cầu thứ hai là mọi bất đồng về việc thực thi thoả thuận phải được đàm phán thông qua các cơ chế đã thiết lập sẵn, không đàm phán riêng. Một trong những vấn đề phía Tehran kỳ vọng được đối thoại sòng phẳng là việc Washington bồi thường những thiệt hại về kinh tế gây ra cho Iran trong thời gian chính quyền ông Trump rời bỏ thoả thuận và cấm vận nước này.
Thứ ba, Iran không chấp nhận sử dụng các điều khoản trong JCPOA để giải quyết các vấn đề không nằm trong khuôn khổ thoả thuận, như việc lợi dụng đàm phán JCPOA để quay sang bàn thêm về chương trình tên lửa hay các hoạt động quân sự của nước này.
Thứ tư, ngoài những nước đã từng ký tên vào JCPOA năm 2015 (gồm Liên minh châu Âu, Đức, Iran, Mỹ và các thành viên thường trực khác thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) thì không thêm bất kỳ thành viên mới nào khác.
Thứ năm, Iran không đông trao đổi các vấn đề liên quan tới an ninh chính trị khu vực xung quanh khi đang đàm phán về JCPOA. Dù vậy, các vấn đề như thiết lập các biện pháp kiểm soát vũ khí cấp khu vực với sự giám sát của Liên Hợp Quốc hoặc các vấn đề có liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Israel có thể được cân nhắc là ngoại lệ.
Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Israel và Palestine, yêu cầu Liên Hợp Quốc tổ chức trưng cầu có đại diện của cả người dân hai bên về vấn đề này. Dù vậy, việc trưng cầu sẽ tổ chức ra sao thì phía Iran không nói rõ.
Hiện chưa rõ khi nào Tehran sẽ chính thức gửi danh sách yêu cầu nói trên cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, ông Biden từ khi còn tranh cử đã hứa hẹn sẽ đưa Mỹ quay lại JCPOA cũng như khẳng định sẽ cùng Tehran đàm phán thêm những điều khoản có lợi và hiệu quả trong vấn đề kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran hơn.