Lý do ông Trump khó bị bãi nhiệm dù bị luận tội

Hôm 18-12 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã chính thức bỏ phiếu thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, theo hãng tin Reuters.

Điều khoản thứ nhất luận tội ông Trump vì lạm quyền được thông qua với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống. Điều khoản thứ hai cáo buộc ông cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về nghi vấn ông gây sức ép đòi Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden được thông qua với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.

Với kết quả này, Tổng thống Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Dự kiến Thượng viện sẽ tiến hành kết án chính thức vào đầu tháng 1-2020. Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ John Roberts sẽ đóng vai trò chủ tọa.

Chủ tịch Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cùng một số thượng nghị sĩ Cộng hòatrong một cuộc họp báo hồi tháng 11-2019. Ảnh: AFP

Được biết để quá trình luận tội được thông qua, cần có 2/3 trong 100 thành viên trong Thượng viện chấp thuận. Điều đó tức là sẽ phải có từ 67 nghị sĩ trở lên, trong đó có 20 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận để Tổng thống Trump bị luận tội và bãi nhiệm.

Dù vậy, khả năng này sẽ khó có thể xảy ra bởi Tổng thống Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên trong đảng của ông. Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell cũng dự đoán "không có khả năng" Thượng viện quyết định bãi nhiệm tổng thống.

Hồi tháng 11-2019, các nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa đã tiến hành phác thảo kế hoạch trong trường hợp ông Trump bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội thành công.

Trong đó, phương án được tán đồng nhiều nhất là Nhà Trắng không nên ấn định, thậm chí phản đối bất kỳ nhân chứng hay cá nhân nào từng điều trần ở Hạ viện ra làm chứng ở Thượng Viện. Việc này sẽ đảm bảo cho các đồng minh của ông có đủ thời gian và cơ hội nhằm “xoay chuyển tình thế” tốt nhất.

Đảng này cũng cảnh báo ông chủ Nhà Trắng nên cân nhắc lại quyết định tự biện hộ mà nên ủy quyền cho một luật sư có chuyên môn.

Theo tờ The Washington Post, Nhà Trắng đang tìm cách củng cố vai trò của các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Trump trong Thượng viện tại phiên xét xử sắp tới. Bản thân ông Trump cũng có những động thái và ngôn từ nhất định nhằm kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ trong Thượng viện.

Hiện chưa thành viên đảng Cộng hòa nào lên tiếng chống lại ông Trump, trong khi ít nhất hai nghị sĩ Dân chủ đã công khai quan điểm chống lại tiến trình luận tội tổng thống của các đồng nghiệp.

Ban đầu, đảng Cộng hòa phản đối những cáo buộc mà đảng Dân chủ đưa ra với Tổng thống Trump nhưng sau đó họ đã thay đổi chiến lược và bắt đầu công kích lại đảng Dân chủ.

Các nghị sĩ Cộng hòa trong Hạ viện đã cáo buộc đảng Dân chủ lạm quyền và bịa ra chuyện Tổng thống Trump lợi dụng chức vụ vì mục đích cá nhân bởi đảng Dân chủ không chịu thừa nhận ứng viên của họ là bà Hillary Clinton đã thất bại trong kỳ bầu cử năm 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm