Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin ngày 28-5 cho hay Malaysia chuẩn bị chuyển trả lại 450 tấn rác thải nhựa chứa trong 9 container cho các quốc gia phát triển.
“Malaysia sẽ không tiếp tục làm bãi rác cho các quốc gia phát triển, và những người góp phần phá hủy hệ sinh thái của chúng tôi bằng các hoạt động phi pháp là những kẻ phản bội. Chúng tôi sẽ đáp trả. Mặc dù chúng tôi là một nước nhỏ nhưng chúng tôi sẽ không để bị bắt nạt” – ông Yeo nói với báo giới ngày 28-5, tờ South China Morning Post (SCMP) cho hay.
Ảnh minh họa: AFP
Bộ trưởng Yeo cho biết 450 tấn rác thải nhựa được chuyển tới Malaysia từ Mỹ, Anh, Singapore, Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Saudi Arabia và Bangladesh. Thời gian gửi trả số rác này không được đề cập.
"Các container chứa đầy rác thải nhựa bị ô nhiễm, không đồng nhất, chất lượng thấp và không thể tái chế. Chúng bị tịch thu khi đang được đưa tới các cơ sở xử lý không có công nghệ tái chế thân thiện với môi trường", chính quyền Malaysia cho hay.
Trong cuộc họp báo, ông Yeo lưu ý các quốc gia phát triển thường xuyên xuất khẩu rác thải sang các nước đang phát triển như Malaysia.
“Rác thải được giao dịch dưới cái cớ tái chế. Người Malaysia buộc phải chịu đựng chất lượng không khí kém do hoạt động đốt nhựa, dẫn tới các hiểm họa sức khỏe, các con sông bị ô nhiễm, bãi rác bất hợp pháp và một loạt vấn đề liên quan khác” – ông Yeo nhấn mạnh.
Các quan chức Bộ Môi trường Malaysia cũng sẽ kiểm tra 60 container khác chứa 3.000 tấn rác thải và khả năng sẽ chuyển trả trở lại cho những quốc gia đã xuất khẩu chúng. Đến nay, các quan chức Malaysia tuyên bố đã kiểm tra hơn 120 container rác thải được chuyển từ các quốc gia phát triển. Tháng trước, Malaysia đã trả lại 5 container rác cho Tây Ban Nha.
Malaysia đang trong cuộc chiến với rác thải chuyển từ nước ngoài kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa nhằm cải thiện môi trường của nước này. Mặc dù Trung Quốc vẫn cho phép nhập khẩu nhựa, giấy, và kim loại phế thải nhưng không còn nhận các lô hàng có chứa rác thải nhựa hoặc vật liệu tái chế trộn lẫn với rác thải.
Động thái này của Trung Quốc khiến các quốc gia xuất khẩu rác thải tranh giành các lựa chọn mới về nơi xử lý các nguồn rác thải vô tận của họ.
Theo một báo cáo Hòa bình xanh tháng 11-2018, Malaysia trở thành điểm tập kết rác mới cho rác thải nhựa từ hơn 19 quốc gia.