Mỹ áp lệnh trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế

Tổng thống Donald Trump hôm 11-6 đã ban hành sắc lệnh phê chuẩn biện pháp trừng phạt đối với các nhân viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) liên quan đến cuộc điều tra liệu lực lượng quân sự Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không.

"Hành động của Tòa án Hình sự quốc tế đã tấn công vào quyền lợi của người dân Mỹ và đe dọa xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng tôi" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany tuyên bố.

Mỹ cho rằng cuộc điều tra của ICC "đang được đẩy nhanh nhờ một nỗ lực mờ ám", đồng thời cáo buộc Nga có liên quan đến chuyện này, theo hãng tin Reuters.

"Chúng tôi có lý do để tin rằng tình trạng tham nhũng và các hành vi sai trái đang diễn ra ở văn phòng công tố thuộc ICC. Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của cuộc điều tra của họ đối với quân nhân Mỹ" - bà McEnany nói.

"Chúng tôi cũng e rằng Nga có thể đang thao túng ICC và khuyến khích họ đổ lỗi cho quân nhân Mỹ" - bà McEnany cho biết thêm.

Tổng thống Donald Trump đưa ra lời dặn dò cho quân đội Mỹ, với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngồi đằng sau ông tại Căn cứ Không quân Bagram, Afghanistan, ngày 28-11-2019. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản ở Mỹ của những người hỗ trợ ICC điều tra, cũng như cấm họ và gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ.

"Chúng tôi không thể và sẽ không đứng im trong lúc người dân của chúng tôi bị đe dọa" - Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng về mâu thuẫn giữa Mỹ và ICC.

"Và tôi có một thông điệp gửi đến những đồng minh thân thiết của mình trên thế giới: Người dân nước bạn có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo đấy, đặc biệt là các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những nước đang chống chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan cùng với Mỹ" – ông Pompeo nói thêm.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cũng khẳng định ông "đã nhận được nhiều nguồn tin đáng tin cậy làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng về các hành vi tham nhũng và sai trái suốt thời gian dài" của văn phòng công tố ICC. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Barr tin rằng ICC đang bị Nga thao túng. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết và bằng chứng nào.

Trong tuyên bố đáp trả, ICC đã so sánh sắc lệnh của ông Trump như một hành động dọa nạt và ép buộc, đồng thời khẳng định đây là "một nỗ lực can thiệp quy tắc pháp luật không thể chấp nhận được". 

ICC cho biết sẽ đứng về phía nhân viên và quan chức của mình, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là bước đi mới nhất trong chiến dịch công kích "chưa từng có" nhằm vào tổ chức này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu về mâu thuẫn giữa Mỷ và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ảnh: REUTERS

Vào năm 2017, ICC đã quyết định mở cuộc điều tra Mỹ sau khi các công tố viên tiến hành kiểm tra sơ bộ kết luận có cơ sở hợp lý để tin rằng nhiều tội ác chiến tranh đã được thực hiện ở Afghanistan, và ICC có thẩm quyền trong việc này.

Một công tố viên của ICC - ông Fatou Bensouda - muốn điều tra một số cáo buộc tội ác của quân đội Mỹ trong giai đoạn 2003-2014.

Những cáo buộc bao gồm giết hại thường dân Taliban, cũng như hành vi tra tấn tù nhân của chính quyền Afghanistan, lực lượng quân đội Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

ICC là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược.

Tuy nhiên ICC chỉ có được quyền tài phán nếu một quốc gia thành viên không thể hoặc không muốn tự truy tố tội ác, hãng tin Reuters cho biết.

Dù Afghanistan là thành viên của ICC, nhưng chính quyền Kabul vẫn tuyên bố bất cứ tội ác chiến tranh nào tại quốc gia này đều phải được truy tố tại địa phương.

ICC được thành lập vào năm 2002 và Mỹ chưa bao giờ là thành viên của tổ chức này. Vào năm 2019, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã áp đặt lệnh giới hạn đi lại và nhiều biện pháp trừng phạt khác lên các nhân viên ICC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm