Kênh NDTV (Ấn Độ) ngày 31-5 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay việc Ấn Độ quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga có thể cản trở cơ hội hợp tác quốc phòng với Mỹ trong tương lai, trong đó có cung cấp thiết bị quân sự hiện đại.
Nguồn tin cho hay quan điểm cho rằng việc mua S-400 không phải vấn đề lớn là hoàn toàn sai lầm.
“Tôi không đồng ý. Vấn đề S-400 rất đáng chú ý do Ấn Độ có thể sẽ bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt). Ngoài ra nó cũng sẽ cản trở các hoạt động hợp tác phát triển công nghệ cao với Mỹ trong tương lai”.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Vị quan chức này nhấn mạnh việc miễn trừ áp dụng trừng phạt theo đạo luật CAATSA phải được các quan chức Mỹ xem xét kỹ lưỡng cho từng trường hợp, vì vậy Ấn Độ vẫn sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn.
Theo nhận định của người này, Ấn Độ cũng sẽ trải qua “những cuộc thảo luận căng thẳng” giống như những gì mà Mỹ đang thực hiện với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cũng quyết định mua S-400 từ Nga.
Ngoài ra, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh với mỗi lựa chọn mà Ấn Độ thực hiện liên quan đến việc mua hệ thống S-400, họ sẽ bị mất những cơ hội khác. Cụ thể, các cuộc thảo luận giữa New Delhi và Washington về việc mua các máy bay chiến đấu và các loại khí tài hiện đại khác có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 vào tháng 10-2018 trị giá 5 tỉ USD. Với thỏa thuận này, Ấn Độ trở thành nước tiếp theo được Nga bán hệ thống phòng không tân tiến sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ hồi tháng 1 ra thông cáo cho hay Ấn Độ và Nga đã ký hợp đồng chuyển giao S-400 vào ngày 5-10-2018. Việc bàn giao sẽ bắt đầu từ tháng 10-2020 và hoàn tất vào tháng 4-2023.
Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái và tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ra nước ngoài.
Giới chức Ấn Độ cho rằng việc tăng cường năng lực phòng không bằng hệ thống S-400 là cần thiết, trong bối cảnh không quân Trung Quốc và Pakistan ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, và Washington đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho nước này. Không những vậy, các quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng Ankara có thể sẽ phải đối mặt với những hình thức trừng phạt và thậm chí có thể bị khai trừ khỏi NATO nếu vẫn không từ bỏ hệ thống của Nga.
Ấn Độ đang cân nhắc mua 10 trực thăng Ka-31 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Mới đây, theo hãng tin Sputnik, Mỹ ngày 30-5 cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về "hậu quả khủng khiếp" nếu mua S-400.
"Việc Ankara hoàn tất hợp đồng S-400 sẽ gây hậu quả khủng khiếp không chỉ với chương trình tiêm kích F-35, mà còn có nguy cơ phá vỡ khả năng hiệp đồng tác chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, yếu tố then chốt trong mạng lưới phòng thủ của liên minh này", quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề An ninh Quốc tế Kathryn Wheelbarger hôm 30-5 phát biểu trong một hội thảo ở thủ đô Washington.
Ông Wheelbarger cho rằng Nga không phải đối tác đáng tin cậy trong dài hạn, không cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật kèm các hợp đồng quân sự và đang tìm cách phá hoại sự gắn kết của NATO.
"Tên lửa S-400 được thiết kế để bắn hạ máy bay như F-35, thật khó tưởng tượng việc Nga không lợi dụng cơ hội để nghiên cứu chiến đấu cơ hiện đại nhất của NATO. Việc một quốc gia NATO sử dụng vũ khí Nga sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ đồng minh của chúng tôi", ông Wheelbarger nói thêm.
Vị quan chức Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể chịu nhiều lệnh cấm vận ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump không sẵn sàng trừng phạt nước này. "Nếu chúng tôi không áp đặt biện pháp cấm vận, quốc hội có thể thông qua đạo luật buộc chúng tôi hành động", ông Wheelbarger cho hay.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tuyên bố không khuất phục trước sức ép từ Mỹ, nhấn mạnh Mỹ đã có cơ hội bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã không đưa ra được một thỏa thuận có lợi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng khẳng định chính phủ của ông sẽ không rút lại thỏa thuận S-400.