Mỹ vừa lên tiếng đề nghị Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa phòng không THAAD (tầm cao giai đoạn cuối) và Patriot thay cho hệ thống phòng không S-400 mà Ấn Độ đang có kế hoạch mua từ Nga, báo Hindustan Times đưa tin.
Ấn Độ ký hợp đồng mua S-400 với Nga từ tháng 10 năm ngoái, với tổng giá trị 5,43 tỉ USD. Việc chuyển giao dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2023.
Nếu tiếp tục tìm mua S-400 từ Nga, Ấn Độ có thể sẽ hứng trừng phạt theo luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) mà Washington thông qua năm 2017 nhằm đối phó Nga, Triều Tiên và Iran. Luật CAATSA trừng phạt và cấm các nước khác mua vũ khí từ Nga, Triều Tiên và Iran. Nga lên án luật CAATSA là một sự tuyên bố “chiến tranh thương mại toàn diện” với Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không THAAD của Mỹ. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Tháng 9 năm ngoái, Mỹ ban hành lệnh hoãn trừng phạt với Ấn Độ về việc nước này có kế hoạch mua S-400 của Nga, tuy nhiên lệnh hoãn trừng phạt này đã hết hiệu lực từ đầu tháng 5. Hồi tháng 3, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Mỹ đang lên một “lựa chọn thay thế” cho Ấn Độ.
Hiện chưa rõ phản ứng của Ấn Độ về đề nghị của phía Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: IPA NEWS
S-400 của Nga là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, có khả năng bắn được tới 3 loại tên lửa khác nhau cả tầm ngắn và tầm xa. Các tên lửa có thể nhắm bắn nhiều mục tiêu, trong đó có đài nhiễu âm máy bay, máy bay do thám, tên lửa hành trình, và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Viễn cảnh Ấn Độ sở hữu S-400 gây bất an cho Pakistan – đối thủ khu vực của Ấn Độ và là một đồng minh của Mỹ. Pakistan từng lên tiếng lo ngại chuyện Ấn Độ mua S-400 có thể đe dọa sự ổn định chiến lược ở khu vực.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Ấn Độ không phải là nước duy nhất gặp vấn đề với Mỹ khi muốn mua S-300 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang rất căng thẳng với Mỹ quanh vụ này. Một năm nay Mỹ cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận trị giá 2,5 USD mua S-400 của Nga. Mỹ đe dọa sẽ ngưng chuyển giao tiêm kích tàng hình đa năng F-35 dù Thổ Nhĩ Kỳ đã chi một phần tiền cho Mỹ. Mỹ lo ngại S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO) và sẽ mang lại rủi ro về an ninh cho NATO.
Trước đe dọa của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định sẽ không từ bỏ thỏa thuận mua S-400 của Nga