Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” sau khi chính phủ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 29-1 phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido.
Ngày 29-1 Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ trao quyền kiểm soát một số lượng tài sản của Venezuela đang do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và một số ngân hàng khác của Mỹ giữ, trong đó có nhiều tài khoản của chính phủ và ngân hàng trung ương Venezuela.
Nguy cơ ông Guaido bị cấm đi lại, phong tỏa tài khoản ngân hàng
Phản ứng lại, Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek Saad cho biết ông đã yêu cầu Tòa án Tối cao mở một cuộc điều tra sơ bộ ông Guaido với cáo buộc ông này giúp các thế lực bên ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ nước này. Ông Saad cũng yêu cầu tòa án ra lệnh cấm đi lại và phong tỏa các tài khoản ngân hàng với lãnh đạo đối lập 35 tuổi này.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela, Lãnh đạo đối lập, tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido (phải) tại kỳ họp Quốc hội Venezuela ở thủ đô Caracas ngày 29-1. Ảnh: REUTERS
Là một Chủ tịch Quốc hội, ông Guaido được miễn trừ truy tố trừ khi có lệnh của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên khả năng này không phải không có khi Tòa án Tối cao lúc này trung thành với ông Maduro và dự kiến sẽ nhanh chóng mở cuộc điều tra nhằm vào ông Guaido.
Ngay sau khi có động thái từ Venezuela lập tức phía Mỹ có phản ứng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton lên Twitter cảnh cáo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng cho những ai cố tình phá hoại dân chủ và làm hại ông Guaido”. Ông Bolton mô tả ông Saad là “cựu Bộ trưởng Tư pháp không hợp pháp của Venezuela”.
Tổng thống lâm thời tự xưng Venezuela Juan Guaido được Mỹ bảo vệ. Ảnh: REUTERS
Phần mình, ngày 29-1 ông Guaido nói ông không đánh giá thấp đe dọa bị bỏ tù, cho rằng điều này không mới mẻ gì ở Venezuela. Trước đây cũng đã có một số lãnh đạo đối lập bị vào tù ở Venezuela.
“Chúng tôi ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động và làm việc nhằm đối đầu với cuộc khủng hoảng nhân đạo” – Reuters dẫn lời ông Guaido nói torng cuộc họp báo.
Venezuela xoay sở thoát trừng phạt của Mỹ
Trong lúc này tập đoàn dầu quốc gia PDVSA của Venezuela đang cố tìm cách thoát khỏi trừng phạt của Mỹ. Theo một số nguồn tin của Reuters thì PDVSA phản ứng với trừng phạt của Mỹ bằng cách yêu cầu các khách hàng ở Mỹ đang chờ Venezuela giao dầu thô trả tiền trước. Việc thanh toán này có thể vi phạm trừng phạt. Ngoài ra PDVSA cũng yêu cầu các khách hàng chính trong đó có nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ thương lượng lại các hợp đồng.
Mỹ thông báo trừng phạt với PDVSA ngày 28-1, nhằm hạn chế xuất khẩu dầu thô của tập đoàn này đến Mỹ để buộc ông Maduro từ bỏ quyền lực. Đây là bước đi mạnh nhất của Mỹ với ông Maduro từ khi ông lên cầm quyền Venezuela đến nay.
Tổng thống Venezuela giơ cao bản Hiến pháp trong buổi đón các nhà ngoại giao nước này trở về từ Mỹ ngày 28-1. Ảnh: REUTERS
Trừng phạt của Mỹ đã khiến giá dầu toàn cầu tăng, với phản ứng giận dữ từ Trung Quốc và Nga cũng như khiến chính phủ Venezuela có bước đi nghiêm trọng đầu tiên chống lại ông Guaido.
Nga lên án trừng phạt của Mỹ là sự can thiệp bất hợp pháp vào Venezuela. Trong khi đó Trung Quốc nói trừng phạt sẽ khiến người dân Venezuela thêm khốn khổ và Mỹ phải chịu trách nhiệm. Cả hai nước đều đang là chủ nợ hàng tỉ USD của Venezuela.
“Trừng phạt mới của Mỹ có thể gây vấn đề cho Venezuela trong xử lý nợ công với Nga đang ở mức 3,15 tỉ USD” – Thứ trưởng Tài chính NGa Sergei Storchak nói với báo chí ngày 29-1.
“Trừng phạt Venezuela sẽ dẫn tới sự hủy hoại điều kiện sống của người dân” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng.
Nhiều năm nay Venezuela đã rơi vào khủng hoảng kinh tế và chính trị, mức lạm phát trong năm nay tăng tới 10 triệu %, theo thông tin của Reuters. Mất nguồn thu từ bán dầu cho Mỹ - khách hàng số 1 của dầu thô Venezuela – chắc chắn sẽ khiến chính phủ Venezuela khó khăn hơn nhiều trong việc nhập khẩu nhu yếu phẩm và thuốc men, gia tăng khủng hoảng nhân đạo vốn đã khiến hơn 3 triệu người rời bỏ đất nước trong những năm gần đây.
Ông Maduro vẫn được quân đội ủng hộ
Tại một hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29-1, Đại sứ Venezuela tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva cáo buộc chính phủ Trump chuẩn bị “xâm lược quân sự” Venezuela và đặt câu hỏi liệu Mỹ có quyền ra mệnh lệnh với Venezuela hay không.
Tổng thống Venezuela trong buổi đón các nhà ngoại giao nước này trở về từ Mỹ ngày 28-1. Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia cho rằng trừng phạt và các biện pháp khác nhắm vào ông Maduro sẽ chỉ khiến ông từ bỏ quyền lực một khi ông mất sự ủng hộ của quân đội. Đến thời điểm này thì phần lớn quân đội vẫn trung thành với đảng cánh tả cầm quyền do cố Tổng thống Hugo Chavez lập ra.
Ngày 29-1 ông Maduro xuất hiện trên truyền hình từ một căn cứ quân sự, hoan nghênh sự trung thành của quân đội.
Ông Maduro được sự ủng hộ của nhiều nước trong đó có Nga. Trong khi đó Mỹ và nhiều nước Nam Mỹ, châu Âu công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Ông Maduro cáo buộc ông Guaido thực hiện cuộc đảo chính chống lại ông do Mỹ chỉ đạo.
Ông Maduro tuyên thệ nhiệm kỳ 2 ngày 10-1 sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi năm ngoái. Việc nhậm chức của ông Maduro dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối khắp Venezuela. Reuters dẫn số liệu từ người phát ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc Rupert Colville ngày 29-1 cho biết đã có hơn 40 người bị thiệt mạng trong bạo lực chính trị tuần rồi. Trong số này có 26 người bị các lực lượng thân chính phủ bắn, 5 người bị giết trong các cuộc bố ráp, 11 người bị giết khi tham gia cướp bóc. Hơn 850 người bị bắt trong thời gian từ ngày 21 đến ngày 26-1, trong đó có 77 trẻ em.