Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự đối đầu chính trị giữa Tổng thống Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido – người được Mỹ hậu thuẫn. Hôm 30-4, ông Guaido đã thất bại trong việc kêu gọi một cuộc nổi dậy có vũ trang nhắm vào ông Maduro.
Liên minh châu Âu (EU) và nhóm Lima – gồm Canada và 12 nước Mỹ Latinh, đang nỗ lực kêu gọi chính phủ của ông Maduro đàm phán với phe đối lập. Thành viên của hai bên đều đang ở Na Uy, và Canada đang cố gắng mời Cuba tham gia đàm phán.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang làm việc với các đồng minh để gây áp lực lên Cuba với cáo buộc nước này hỗ trợ an ninh và phản gián cho chính quyền ông Maduro.
“Chúng tôi nhìn thấy các sĩ quan quân đội Cuba ở Sebin (cơ quan tình báo Venezuela), trong nhóm bảo vệ Tổng thống, và chúng tôi biết rằng họ có liên quan trực tiếp đến việc đe doạ những người tham gia kế hoạch nổi dậy của ông Guaido”, ông Pompeo cáo buộc.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Cuba như cấm du lịch và giao dịch kiều hối. Mỹ cũng cho phép Đề mục III – Đạo luật Helms-Burton có hiệu lực. Theo đó công dân Mỹ được phép đòi bồi thường đối với các tài sản bị chính phủ Cuba tịch thu từ sáu thập niên trước tại Toà án Liên bang Mỹ.
Không chỉ có Cuba, Nga cũng bị Mỹ chỉ trích vì góp phần vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Nga đã gửi hơn 100 nhân sự tới hỗ trợ chính quyền Maduro hồi tháng 3-2019.
“Chúng tôi muốn các nước can thiệp vào Venezuela ngừng ngay các hành động kiểu đó lại”, ông Pompeo phát biểu trong một cuộc họp báo.
“Những lời đe doạ chúng tôi từ phía Mỹ và ông Guaido cũng chẳng hề có tính dân chủ chút nào”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản bác.
Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Nga và đặc biệt để mắt tới Rosfnet – một công ty dầu mỏ của Nga, đối tác lớn của PDVSA (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela).