Một loại vaccine do các nhà khoa học tại Mỹ điều chế đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ loài khỉ khỏi virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC) ở TP Boston, bang Massachusetts đã tiến hành hai cuộc nghiên cứu trên sáu mẫu ADN mà họ thu thập được từ tháng 1-2020, sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố bộ gen của virus này.
Kết quả sau đó đã được công bố vào hôm 20-5 trên tạp chí khoa học Science.
Cụ thể, trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học đã tiêm loại vaccine này cho 25 con khỉ trưởng thành, trong khi 10 con còn lại được tiêm một loại giả dược vô hại.
Toàn bộ 35 con khỉ đều được cho phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 và được xét nghiệm lấy kết quả vào ba tuần sau đó.
Trong những con khỉ được tiêm vaccine, tám con không có dấu hiệu nhiễm bệnh, trong khi các con còn lại có mức độ nhiễm thấp. Điều này cho thấy loại vaccine mà Mỹ nghiên cứu đã có tác dụng tạo được loại kháng thể có thể trung hòa virus SARS-CoV-2 ở loài khỉ, theo báo cáo từ BIDMC.
Để so sánh, nhóm khỉ không được tiêm vaccine lại có tải lượng virus cao hơn nhiều.
Trong 25 con khỉ đã được tiêm vaccine, tám con cho thấy không có dấu hiệu bị nhiễm COVID-19. Ảnh: SCMP
Theo báo cáo của BIDMC, loại vaccine mới này tạo nên một loại kháng thể nhắm thẳng vào virus SARS-CoV-2, đồng thời có tác dụng giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và phản ứng nhanh với mầm bệnh ngay từ ban đầu.
Nhóm chuyên gia cho biết nồng độ kháng thể cao sẽ làm số lượng virus trong cơ thể thấp đi, chứng tỏ các kháng thể tạo nên từ loại vaccine này có hiệu quả trong việc bảo vệ chủ thể khỏi COVID-19, đồng thời là tiền đề cho các cuộc thử nghiệm lâm sàng sau này.
Ông Dan Barouch, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về virus và vaccine tại BIDMC đồng thời là tác giả chính của cuộc nghiên cứu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những kết quả thu được lần này về loại vaccine mới.
“Sự xuất hiện và lan truyền của đại dịch COVID-19 khắp toàn cầu đã khiến việc phát triển vaccine trở thành ưu tiên hàng đầu cho nền y tế thế giới, tuy nhiên tin tức về một loại kháng thể có thể chống lại COVID-19 thì chưa khả quan cho lắm" - ông Barouch cho biết.
Về cuộc nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những con khỉ hồi phục từ COVID-19 cũng đã tự phát triển các loại kháng thể có khả năng bảo vệ và ngăn chủ thể nhiễm bệnh trở lại.
Hơn một tháng sau khi bị nhiễm bệnh lần đầu, nhóm nghiên cứu đã cho những con khỉ này phơi nhiễm lại với virus.
Tuy nhiên, ở lần phơi nhiễm thứ hai, cơ thể của những con khỉ này đã tự tạo ra kháng thể và gần như hoàn toàn chống lại virus gây bệnh COVID-19.
“Phát hiện này của chúng tôi chắc chắn sẽ làm tăng sự lạc quan cho việc tìm ra loại vaccine chống lại COVID-19” - tờ South China Morning Post dẫn lời ông Barouch cho biết.
“Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian nghiên cứu để giải quyết các câu hỏi về tác dụng cũng như mức độ phù hợp khi sử dụng loại vaccine này cho người" - vị giám đốc trung tâm nghiên cứu BIDMC cho biết thêm.
Theo thống kê từ trang Worldometer, Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với tổng cộng 1.621.196 ca, trong đó đã có gần 10.000 ca tử vong.