Theo The Moscow Times, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 1-5 cảnh báo về sự can thiệp của nhau vào khủng hoảng Ukraine, một ngày sau khi ông Pompeo cáo buộc Moscow ngăn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro rời khỏi đất nước.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Pakistan Point
Ngày 1-5 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để thảo luận về những diễn biến căng thẳng tại Venezuela. Cuộc điện đàm được tổ chức theo đề nghị của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Bộ trưởng Lavrov nói với ông Pompeo qua điện thoại rằng “các bước đi gây hấn” tại Venezuela sẽ gây ra hậu quả nặng nề.
“Phía Nga nhấn mạnh rằng sự can thiệp của Washington vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và các mối đe dọa đối với sự lãnh đạo của họ là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” – Bộ này cho biết thêm.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ ông Maduro. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự can thiệp của Nga và Cuba đang gây bất ổn cho Venezuela và cho mối quan hệ song phương giữa Washington và Moscow.
Hôm 30-4, ông Pompeo cáo buộc Nga can thiệp để thuyết phục ông Maduro từ bỏ kế hoạch chạy trốn khỏi đất nước sau lời kêu gọi của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đối với quân đội Venezuel nhằm giúp ông lật đổ ông Maduro. Nga đã bác bỏ cáo buộc đó hôm 1-5, với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi đó là tin giả mạo.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo cho hay Mỹ đã chuẩn bị hành động quân sự nếu thấy cần thiết, trong khi đó, các quan chức Lâu Năm Góc cho biết họ hiện không nhận được lệnh nào yêu cầu sẵn sàng cho một cuộc chiến.
“Hành động quân sự là có thể. Nếu đó là những gì bắt buộc, thì đó cũng là những gì Mỹ sẽ làm” – ông Pompeo nói với Fox Business Network.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo đã đẩy lùi một cuộc đảo chính do tổng thống tự xưng Juan Guado tiến hành hôm 30-4 với sự tham gia của một nhóm nhỏ binh sĩ nhằm lật đổ chính quyền.
Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido trong một cuộc mít tinh hôm 27-4. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cáo buộc chính quyền Mỹ đã tham gia kích động, tài trợ và đứng sau thúc đẩy âm mưu đảo chính do ông Guaido dẫn dắt.
Khi được hỏi liệu Washington có đang xem xét áp thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì tình hình ở Venezuela hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng: “Chúng tôi sẽ xem xét nhiều bước đi”.
Quan điểm của Mỹ và Nga về khủng hoảng Venezuela khác nhau
Cũng trong cuộc điện đàm hôm 1-5, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ Pompeo rằng sự can thiệp của Washington vào công việc nội bộ của Venezuela là một cách tiếp cận mang tính hủy diệt với “hậu quả nghiêm trọng nhất”, theo hãng tin Sputnik.
Ông Lavrov yêu cầu Mỹ kiềm chế tránh trở lại "học thuyết Monroe" trong quan hệ với Venezuela và nhấn mạnh rằng dù lập trường của Mỹ với Nga về cuộc khủng hoảng ở Venezuela khác nhau nhưng cần tiếp tục duy trì đối thoại.
"Chúng tôi đã nhất trí duy trì liên lạc, bao gồm cả vấn đề Venezuela, nhưng tôi không nhìn thấy hướng hòa giải đối với lập trường giữa hai bên - giữa lập trường dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như luật pháp quốc tế của chúng tôi và lập trường của Mỹ, mà trong đó Washington bổ nhiệm Tổng thống tạm quyền của nước khác", ông Lavrov nói trước báo giới ở Tashkent, Uzbekistan ngày 2-5.
“Lập trường của chúng tôi là khác nhau, những chúng tôi sẵn sàng nói chuyện” – ông Lavrov nhấn mạnh.
Những người biểu tình của phe đối lập đứng trước xe quân sự ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Lavrov cho hay trong cuộc trao đổi hôm 1-5, ông đã nói với ông Pompeo rằng phương án áp dụng học thuyết Monroe trong chính sách của Mỹ là dấu hiệu cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với người dân Venezuela và châu Mỹ Latinh nói chung.
Bình luận về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, ông Lavrov tuyên bố Nga dự tính thành lập một khối gồm nhiều quốc gia để đối phó với kế hoạch của Mỹ và nhóm này hiện đang thành hình ở Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, ông Lavrov bác bỏ phát ngôn trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về kế hoạch rời khỏi Venezuela của Tổng thống Maduro và nỗ lực thuyết phục ông Maduro từ bỏ ý định này từ phía Nga.
"Nếu người ta xem xét lại mọi thứ mà giới chức chính quyền Mỹ nói về Venezuela thì sẽ có vô số câu hỏi được đặt ra. Và tất cả những câu hỏi ấy đều có chung một câu trả lời. Nói một cách ngoại giao thì là: Điều đó không đúng!", ông Lavrov nói.
Khi được hỏi vì sao Ngoại trưởng Pompeo lại điện đàm với ông, ông Lavrov nói: "Ông ấy gọi để sau đó có thể công khai nói rằng ông ấy đã gọi cho tôi và hối thúc Nga không can thiệp. À thì ông ấy đã làm như vậy rồi đấy".
Ông Lavrov đồng thời khẳng định Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela và nói cáo buộc của ông Pompeo là "không thực tế".
"Tôi đã nói với ông ấy rằng dựa trên lập trường nguyên tắc của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ can thiệp vào việc của nước khác, đồng thời hối thúc các quốc gia khác làm như vậy" – ông Lavrov nhấn mạnh.
Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này hôm 23-1, hai tuần sau khi ông Maduro nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018. Ông Guaido ngay lập tức được Mỹ và các nước Mỹ Latinh, châu Âu cùng với Canada công nhận, trong khi Nga, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Bolivia và các quốc gia khác bày tỏ ủng hộ chính phủ ông Maduro.