Hôm 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, một phần của chuyến thăm đến khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ). Cùng với hình ảnh ông bước qua biên giới liên Triều để bắt tay người đồng cấp, ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên lãnh thổ “cựu thù”.
“Được bước qua đường biên giới này thật vinh dự”- ông Trump chia sẻ với ông Kim và tiến thêm 20 bước nữa trước khi cả hai cùng nhau quay lại Hàn Quốc để bắt đầu buổi gặp mặt.
Một ngày trước đó, ông đã bất ngờ đưa ra lời đề nghị được gặp trực tiếp ông Kim Jong-un trên trang Twitter chính thức của mình giữa lúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2019 tại Nhật Bản.
“Một ngày huyền thoại đi vào lịch sử”
Theo hãng tin CNN, ông Kim Jong-un bắt đầu cuộc gặp bằng việc bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận được lời mời của ông Trump, cho biết “đã muốn gặp lại ông Trump lần nữa” và tổng thống Mỹ đã đáp lại, gọi đây là “giây phút đặc biệt” giữa hai nhà lãnh đạo.
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm kín diễn ra trong gần 1 tiếng, đích thân ông Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cùng tiễn ông Kim Jong-un quay về Triều Tiên kèm lời ca ngợi cuộc gặp với ông Kim “là một ngày huyền thoại đi vào lịch sử”.
“Rất nhiều chuyện đã xảy ra (giữa hai nước). Khi tôi nhậm chức nó là đống hỗn độn, đầy những thứ tiêu cực. Tuy nhiên, suốt hai năm rưỡi qua, chúng ta cũng đã có hòa bình chỉ nhờ vào mối quan hệ (với ông Kim Jong-un), chưa cần phải ký gì cả” - dẫn lời ông Trump.
Ngoài ra, tổng thống cũng cho biết hai bên sẽ tiếp tục nối lại đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, mở đầu bằng buổi làm việc của phái đoàn hai nước tiến hành trong vài tuần tới.
“Đoàn Mỹ sẽ do đặc phái viên về chính sách Triều Tiên của Mỹ, ông Stephen Biegun dẫn đầu. Chúc may mắn Steve!” - ông Trump nói đồng thời cho biết ông không muốn thúc giục phải đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng ở thời điểm hiện tại vì “không ai biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào”.
Về Tổng thống Moon Jae-in, ông nhấn mạnh cuộc gặp Trump-Kim lần này đã mang lại niềm hy vọng cho “80 triệu người hai miền Triều Tiên” và tin rằng các bên “đã vượt qua được những trở ngại trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” thông qua sự kiện lần này.
Trước đó, tại cuộc họp báo chung giữa ông và Tổng thống Donald Trump chỉ vài giờ trước khi cả hai di chuyển đến khu vực DMZ, người lãnh đạo Hàn Quốc cũng đã đưa ra những chia sẻ lạc quan tương tự.
“Tôi hy vọng ông Trump sẽ đi vào lịch sử với tư cách là vị tổng thống mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hòa bình đòi hỏi nhiều can đảm hơn là chỉ xung đột. Tôi muốn dành sự cảm kích của tôi đối với hai nhà lãnh đạo vì đã rất tuyệt vời. Tôi đang xúc động vì chúng ta đã có thể mở đường cho hòa bình trên bán đảo” - dẫn lời ông Moon.
Giây phút lịch sử khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng chủ tịch Triều Tiên bước qua lãnh thổ Triều Tiên lần đầu tiên. Ảnh: CNN
Tương lai nào cho đàm phán Mỹ-Triều sắp tới?
Theo cựu đặc phái viên về chính sách Triều Tiên của Mỹ Joseph Yun, lần hội ngộ với ông Kim Jong-un hôm 30-6 đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy ông Trump đã thay đổi thái độ của mình đối với vấn đề phi hạt nhân hóa với bán đảo Triều Tiên.
Ông Yun nhận định dấu hiệu rõ nhất nằm ở việc tất cả phát biểu của ông chủ Nhà Trắng sau buổi hội đàm, ông Trump rất ít khi sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hóa”.
Khi bắt tay ông Kim Jong-un tại biên giới hai miền, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lời mời người đồng cấp Triều Tiên đến thăm Washington. Tuy nhiên, sau đó các chuyên gia cho rằng một cuộc gặp như thế sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần. |
“Tôi tin rằng ông Trump đã bắt đầu hiểu tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ là một nỗ lực kéo dài rất lâu và là thứ có thể không tưởng trong nhiệm kỳ đầu của ông, thậm chí là cả với nhiệm kỳ sau nếu ông tái đắc cử” - ông giải thích và cho rằng vì lẽ đó, ông Trump đã chọn cách tiếp tục tập trung vào mối quan hệ giữa ông và ông Kim lần này.
Trả lời tờ The New York Times, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sue Mi Terry cho rằng hiện tại mối ưu tiên hàng đầu của ông Kim sẽ là tìm cách gỡ các cấm vận lên Triều Tiên, đồng thời nhận định cuộc gặp nhiều khả năng sẽ có kết quả nếu ông Trump sau đó chịu chấp nhận nhượng bộ Bình Nhưỡng và đồng ý một thỏa thuận nhỏ hơn.
“Cuộc gặp này có thể mở đường cho một cuộc gặp quy mô hơn vào cuối năm nay. Tôi thực sự nghĩ rằng ông Kim chỉ cần đưa ra một vài đề nghị trên bàn đàm phán như thông tin cơ sở hạt nhân ở Yongbyon và một cơ sở đang được nghi ngờ để đổi lấy một thỏa thuận tạm thời với ông Trump và sự đồng ý gỡ bỏ một phần cấm vận” - bà cho biết.
Mặc dù vậy, ông Trump cũng nhận được không ít chỉ trích và hoài nghi. Một số người cho rằng đây chỉ là một “buổi chụp ảnh được quan trọng hóa” bởi một vị lãnh đạo từng đe dọa sẽ nhấn chìm Triều Tiên trong “bão lửa và cuồng nộ” - theo nội dung trên Twitter ông Trump đưa ra năm 2017. Ngoài ra, tờ The New York Times viện dẫn thực tế là phía Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ động thái, cam kết nào nhằm giảm số lượng vũ khí và tên lửa hạt nhân mà nước này đang sở hữu mặc cho những diễn biến vừa qua. Thậm chí nước này còn có dấu hiệu tích trữ thêm. Bên cạnh đó, ông Trump cũng không thể được cho là người đã có công giúp giảm leo thang căng thẳng ở khu vực này khi chính những phát ngôn của ông là nguồn cơn của những xung đột đó.
Donald Trump tỏa sáng trong hội nghị G20 2019 Theo nhận định của hãng tin AP, ông Trump lần này đã có một màn thể hiện hết sức tốt đẹp trong mắt các lãnh đạo G20, đặc biệt là với kết quả của cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình, trái ngược hoàn toàn hình ảnh một tổng thống Mỹ “kỳ lạ” và bị cô lập hồi thượng đỉnh G20 năm ngoái. Ngoài ra, việc công bố lời mời gặp ông Kim Jong-un cũng là một bất ngờ khác mà vị tổng thống dành cho dư luận thế giới tại sự kiện năm nay. |