Ngày 24-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc việc chính phủ Trung Quốc không minh bạch thông tin về đại dịch COVID-19 vẫn đang ngăn cản thế giới tiếp cận những thông tin cần thiết để chống lại dịch bệnh này, hãng Reuters đưa tin.
Trả lời PV trong chương trình phát thanh Washington Watch, ông Pompeo nhắc lại những cáo buộc trước đó rằng việc Bắc Kinh trì hoãn chia sẻ thông tin về virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã đe dọa sự sống còn của nhân dân thế giới khi điều này "thực sự đe dọa sinh mạng của hàng ngàn người".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS
"Mối quan tâm của tôi là việc che đậy này vẫn đang ngăn thế giới có được những thông tin cần thiết để chúng ta có thể ngăn chặn các ca nhiễm mới hay ngăn một điều tương tự không tái diễn" - ông Pompeo cáo buộc.
Yêu cầu minh bạch và không tạo thông tin giả
Đặc biệt, ngoại trưởng Mỹ luôn nhấn mạnh yêu cầu minh bạch thông tin về dịch COVID-19 ở từng quốc gia.
"Đây là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu và chúng ta cần đảm bảo bây giờ mỗi quốc gia đều minh bạch, chia sẻ những gì đang thực sự diễn ra để cộng đồng toàn cầu, hệ thống y tế toàn cầu và các tổ chức về bệnh truyền nhiễm có thể bắt đầu hành động một cách toàn diện" - ông nói.
Bên cạnh Trung Quốc, ông Pompeo cũng cáo buộc Iran và Nga đang tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch về chủng virus này.
"Các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch từ Nga và Iran, cũng như ở Trung Quốc, đang tiếp tục. Họ đang nói rằng virus xuất phát từ quân đội Mỹ, họ nói virus có lẽ đã bắt đầu từ Ý hay tất cả mọi điều để làm sai lệch trách nhiệm (của Trung Quốc - PV)" - ông Pompeo cáo buộc.
Trung Quốc chưa chính thức đáp trả cáo buộc của Ngoại trưởng Pompeo nhưng Bắc Kinh trước đó đã phản ứng với những tuyên bố của giới chức Washington, bao gồm Tổng thống Donald Trump, đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19.
Trong một bài đăng trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đặt nghi vấn: “Có khi nào bệnh nhân số 0 bắt đầu ở Mỹ?". Theo đó, một số quan chức Bắc Kinh cáo buộc quân đội Mỹ đã mang chủng virus SARS-CoV-2 sang lây lan ở Trung Quốc.
Tổng thống Trump thường xuyên sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán" thay vì tên gọi virus SARS-CoV-2 theo cách đặt tên của Tổ chức Y tế Thế giới.
Mới đây nhất, một chuyên gia y tế hàng đầu của Ý trả lời trên đài NPR (Mỹ) rằng đã có các trường hợp viêm phổi "rất lạ, rất nặng" ở vùng Lombardy của nước này từ tháng 11 hoặc tháng 12 năm ngoái, dấy lên nghi ngờ rằng đó có thể là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở châu Âu.
Trong suốt bài phỏng vấn trên sóng truyền thanh, dù chỉ trích Trung Quốc nhưng ông Pompeo vẫn chủ động không sử dụng các tên gọi "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán" giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Úp mở quy định mới sẽ định hình quan hệ Mỹ-Trung
Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington có thể phải đưa ra "những quyết định rất quan trọng" có thể định hình quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai, trong đó có quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Theo ông Pompeo, những thách thức về chuỗi cung ứng đang xuất hiện ở Mỹ vì các công ty "điều hành chuỗi cung ứng của mình từ Trung Quốc chứ không phải ở đây, ở Mỹ".
Dù ngoại trưởng Mỹ không nói rõ, một số quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị ban hành một sắc lệnh yêu cầu di dời các chuỗi cung ứng sản phẩm y tế từ Trung Quốc và nhiều nơi khác về Mỹ.
Tới thời điểm này, Tổng thống Trump chưa bình luận chính thức về vấn đề này.
Trong một cuộc họp báo cùng ngày 24-3, ông Trump chỉ cho biết Mỹ "không bao giờ nên phụ thuộc vào nước ngoài để có được các biện pháp sinh tồn cho chính mình".
"Mục tiêu cho tương lai của chúng ta phải là có các loại thuốc của Mỹ cho các bệnh nhân Mỹ, có các nhà cung cấp Mỹ cho các bệnh viện Mỹ" - ông Trump nói.
Tính đến trưa 25-3, Mỹ đã có hơn 53.000 ca nhiễm COVID-19 và có 711 bệnh nhân tử vong, theo báo South China Morning Post. Mỹ đang là ổ dịch lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.