Mỹ đang lên kế hoạch kích hoạch sức mạnh của chính phủ theo điều khoản thời chiến nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế nghiêm trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại nước này, báo South China Morning Post ngày 24-3 cho hay.
Tính đến cuối ngày 24-3 (giờ Mỹ), Mỹ ghi nhận tổng cộng 52.671 ca nhiễm và có 682 ca tử vong vì COVID-19, theo dữ liệu của đài NBC News. Trong đó, bang New York có hơn một nửa trong tổng số ca nhiễm, cụ thể là 25.665 ca nhiễm và 210 ca tử vong.
Chính phủ sẽ áp dụng Đạo luật sản xuất thời chiến
Giám đốc Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) Peter Gaynor nói trên đài CNN rằng chính phủ Tổng thống Trump sẽ chính thức thực thi Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để bảo đảm các thiết bị y tế bảo vệ cần thiết để chống lại sự lây lan của COVID-19.
“Cách đây không lâu, nhóm của tôi đã đến và thấy rằng cần phải sử dụng DPA lần đầu tiên bắt đầu từ thời gian này” - ông Gaynor nói.
Ông Peter Gaynor - Giám đốc Cơ quan quản lý khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) trong cuộc họp báo ngày 24-3. Ảnh:BLOOMBERG
Ông Gaynor nói rằng chính phủ sẽ đưa “ngôn ngữ từ DPA” vào các hợp đồng để tạo điều kiện cho chính phủ liên bang có thể đặt hàng 500 triệu khẩu trang. Theo ông Gaynor, việc kích hoạt DPA này cũng sẽ giúp cung cấp khoảng 60.000 bộ dụng cụ xét nghiệm (bộ kit) COVID-19.
Động thái này được đưa ra khi số liệu vụ việc trên toàn quốc tăng vọt và một Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng Mỹ có thể trở thành đại dịch mới.
“Chúng ta đang chứng kiến một sự tăng tốc rất lớn về số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ” - bà Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, nói. “Vì vậy, Mỹ đang có nguy cơ đó. Chúng tôi không thể nói đó là trường hợp cụ thể nào nhưng thực sự Mỹ sẽ trở nên như vậy”.
Các chuyên gia tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thiếu sót nghiêm trọng trong sự chuẩn bị của Mỹ.
“Chúng ta đã chuẩn bị chưa? Rõ ràng là chưa. Chúng ta chưa đủ sự chuẩn bị cần thiết” Giáo sư, BS Ron Waldman của ĐH George Washington và cũng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết. "“Chưa" là câu trả lời duy nhất”.
Ông Walman còn cho biết trên tiền tuyến y tế đang chứng kiến một sự thiếu hụt trang thiết bị, công suất và vật tư của bệnh viện.
Người dân New York xếp hàng xét nghiệm COVID-19 tại BV Elmhurst, ở quận Queens, New York hôm 24-3. Ảnh: AFP
Cụ thể, tại cuộc họp báo hôm 24-3, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã chỉ trích chính phủ liên bang vì chỉ phân phối cho 400 máy trợ thở trong khi nhu cầu của bang này cao hơn nhiều, theo South China Morning Post.
“Các ông chỉ vỗ nhẹ một cái vào lưng và nói sẽ gửi 400 máy trợ thở. Chúng tôi sẽ làm gì với 400 máy thở trong khi cần tới 30.000 cái” - ông Cuomo có vẻ giận dữ phát biểu.
Tổng thống Trump muốn mở cửa lại nền kinh tế trước Lễ Phục sinh
Những lo ngại của các chuyên gia y tế cũng xuất phát từ cách xử lý của Chính phủ Mỹ trong tuần này. Có dấu hiệu từ Tổng thống Trump cho thấy rằng ông muốn giảm bớt các lệnh cấm đi lại của người Mỹ và ủng hộ việc tái khởi động nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Việc chữa bệnh không thể tệ hơn (cho đến nay) so với vấn đề kinh tế” - ông Trump viết trên Twitter hôm 24-3.
Ông Trump nói về việc cần phải mở cửa lại nền kinh tế trên Twitter của mình. Ảnh: TWITTER
Trong bài phỏng vấn với đài Fox News, ông Trump nhấn mạnh muốn nền kinh tế Mỹ “mở cửa trở lại” trước dịp Lễ Phục sinh năm nay (ngày 12-4).
Tổng thống Mỹ vẫn chưa hài lòng với việc phải đóng cửa đất nước để ngăn chặn sự lây lan đại dịch và nói rằng các việc ngừng hoạt động kinh doanh và lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội (social distancing) nên sớm được dỡ bỏ.
“Tôi đã thực hiện điều đó hai tuần. Và giờ chúng ta hòa đồng với nhau và đi làm” - ông Trump nói trên đài Fox News.
Tổng thống Trump đã viện dẫn Đạo luật sản xuất Quốc phòng vào tuần trước khi mở rộng phản ứng với đại dịch, nhưng nay ông có ý định "phớt lờ" nó. Ảnh: AFP
Sau bài phát biểu trên đài Fox News, một vài chuyên gia cũng "lấy làm lạ" với cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Trump.
“Một mặt, họ hoảng loạn trên mặt trận kinh tế, tất cả đều phải tìm cách. Mặt khác, họ lại tiếp cận tương đối lỏng lẻo trên mặt trận y tế” – GS Megan Greene từ Trường Harvard Kennedy cho biết.
Các chuyên gia y tế cũng nói việc thu hẹp "hạn chế tiếp xúc xã hội" sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát các ca nhiễm COVID-19, tăng thêm gánh nặng cho các nguồn lực y tế, theo South China Morning Post.
Giám đốc Cơ quan Y tế công cộng San Francisco - ông Grant Colfax nói rằng ngay cả hạn chế tiếp xúc xã hội đang áp dụng triệt để thì điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra và trong hai tuần nữa các thành phố trên cả nước phải chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh cao.