Theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới với 81.171 ca nhiễm, trong đó tới 3.277 người chết, 4.735 người còn nằm viện (1.573 người nguy kịch), 73.159 người hồi phục xuất viện.
Từ sau 0 giờ ngày 25-3, Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại ở tỉnh Hồ Bắc và lệnh phong tỏa Vũ Hán sẽ được dỡ bỏ từ ngày 8-4, cho phép cư dân TP này đi lại trong tỉnh và ngoài Hồ Bắc với sự kiểm soát qua mã số y tế.
Cảnh sát Vũ Hán chào tạm biệt các bác sĩ từ các địa phương khác đến hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Ý vẫn đứng đầu châu Âu với 63.927 ca nhiễm, trong đó tới 6.077 người chết, 50.418 người còn nằm viện (3.204 người nguy kịch), 7.432 người xuất viện.
Ngày 23-3 là ngày thứ hai liên tiếp Ý ghi nhận giảm số ca tử vong mới mỗi ngày, theo hãng tin AFP. Cụ thể, trong ngày 23-3, Ý ghi nhận 601 ca tử vong mới. Ngày 22-3, Ý ghi nhận 651 người chết. Và ngày 21-3, Ý ghi nhận con số kỷ lục 793 người chết. Như vậy từ ngày 21-3 đến nay, số ca tử vong mới mỗi ngày ở Ý liên tục giảm. Số ca nhiễm mới trong ngày 23-3 là 4.789, cũng giảm so với ngày 21-3 là 6.557.
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Rome (Ý) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Việc hai ngày liên tục giảm số ca tử vong mới và giảm số ca nhiễm mới là tín hiệu vui khiến người ta có thể nghĩ đến khả năng Ý đã tới và đang qua đỉnh dịch.
Ngày 23-3, lần đầu tiên trong nhiều tuần, ông Giulio Gallera - lãnh đạo y tế TP Milan ở vùng Lombardy - tâm dịch ở Ý xuất hiện trên truyền hình với nụ cười.
“Chúng ta chưa thể tuyên bố chiến thắng. Nhưng đây là ánh sáng cuối đường hầm” - AFP dẫn lời ông Gallera.
Quan tài người chết vì COVID-19 được đặt tại một nhà thờ trong một khu nghĩa trang ở tỉnh Alessandria, vùng Piedmont (Ý) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ngày 24-3 Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý Angelo Borrelli nói với báo La Repubblica rằng số ca nhiễm ở Ý có khả năng cao gấp 10 lần số thông báo chính thức.
Mỹ đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ ba thế giới với 46.168 ca nhiễm, trong đó 582 người chết, 45.291 người còn nằm viện (1.040 người nguy kịch), 295 người xuất viện. New York vẫn là bang có số ca nhiễm, tử vong nhiều nhất. Tiếp đó là hai bang Washington và California.
Ngày 23-3, Tổng thống Donald Trump nói ông cân nhắc khôi phục các hoạt động kinh tế khi lệnh phong tỏa 15 ngày kết thúc vào tuần tới, dù tình hình dịch vẫn còn rất phức tạp, theo hãng tin Reuters.
“Nếu mà để các bác sĩ quyết thì họ sẽ kêu đóng cửa toàn bộ thế giới” - ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump (giữa) trong cuộc họp báo về COVID-19 ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Trump nói ông cân nhắc khôi phục các hoạt động kinh tế khi lệnh phong tỏa 15 ngày kết thúc vào tuần tới, không để Mỹ gặp “vấn đề tài chính lâu dài”, dù tình hình dịch nước này vẫn còn rất phức tạp.
Ông Trump khẳng định sẽ không để Mỹ gặp “vấn đề tài chính lâu dài”. Trước mắt, ông Trump định sẽ khôi phục hoạt động kinh tế ở các bang nhiễm ít như Nebraska, Idaho, Iowa, còn các bang dịch nặng như New York thì sẽ cân nhắc thêm.
Trước đó, ông Trump từng cảnh báo số người tự sát vì khó khăn kinh tế có thể sẽ còn lớn hơn số người chết vì COVID-19.
Nói với Fox News sau đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết ông đồng tình với ông Trump.
Tây Ban Nha 39.673 ca nhiễm, trong đó 2.696 người chết (thêm 462 người chết trong 24 giờ), 33.183 người còn nằm viện (2.355 người nguy kịch), 3.794 người xuất viện.
Phó Thủ tướng Carmen Calvo 64 tuổi nhập viện ngày 22-3 vì nhiễm trùng hô hấp và đang chờ kết quả xét nghiệm COVID-19. Trước đó, phu nhân Thủ tướng Pedro Sanchez và hai bộ trưởng có kết quả nhiễm COVID-19.
Đã có gần 4.000 nhân viên y tế nước này nhiễm bệnh, chiếm 12% tổng số ca nhiễm. Tình trạng ở Tây Ban Nha cũng là tình trạng chung của các nước châu Âu hiện tại: Thiếu thiết bị bảo hộ và khẩu trang. Ngày 23-3, người dân Tây Ban Nha đã cùng có hành động hoan nghênh tinh thần những người ở tuyến đầu chống dịch.
Người dân ra ban công nhà mình động viên nhân viên y tế tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Nói với đài Telecino, Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cho biết binh sĩ đã đến một số nhà dưỡng lão - những ổ dịch lớn và nhìn thấy một số người già nằm chết trên giường. Bà Robles không nói rõ nguyên nhân những cái chết này.
Binh sĩ cũng được triển khai đến Barcelona giúp dựng một khu nhà tạm cho 1.000 người vô gia cư trú ngụ mùa dịch.
Tại Madrid, một số nhà tang lễ công cho biết ngừng nhận thi thể từ ngày 24-3 vì không còn trang thiết bị tổ chức lễ tang. Các nhà tang lễ tư vẫn hoạt động.
Nhân viên y tế ra đường đáp lại sự động viên của người dân tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Chính quyền Madrid quyết định trưng dụng một sân trượt băng kích cỡ chuẩn thi đấu Olympic làm nhà xác. Sân trượt băng - nhà xác này nằm gần một trung tâm hội nghị cũng đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.
Bộ trưởng Y tế Nadia Calvino cho biết lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu cho thấy tác động tiêu cực đến kinh tế.
Đức 30.150 ca nhiễm, trong đó 130 người chết, 29.567 người còn nằm viện (23 người nguy kịch), 453 người xuất viện.
Ngày 24-3, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier nói với đài ZDF rằng chính phủ nước này sẽ quay lại chính sách tiết kiệm một khi dịch COVID-19 qua đi. Ngày trước đó Đức đồng ý thông qua gói giải cứu 750 tỉ euro (hơn 821 tỉ USD) giảm nhẹ thiệt hại kinh tế vì dịch.
Một phụ nữ bước trên cây cầu khóa tình yêu Eiserner Steg ở Frankfurt (Đức) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Đức cũng đang có kế hoạch mua cổ phần của các công ty đang gặp nguy hiểm vì dịch. Ông Clemens Fuest - Chủ tịch Viện kinh tế IFO (Đức) tính toán khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến kinh tế Đức mất từ 255 tỉ đến 729 tỉ euro trong năm nay. Cụ thể, theo ông Fuest, nếu kinh tế bị đình trệ hai tháng, tổn thất sẽ nằm ở mức 255-495 tỉ euro. Nếu kinh tế bị đình trệ ba tháng thì con số này sẽ từ 354-729 tỉ euro.
Iran vẫn đang ở vị trí thứ sáu với 24.811 ca nhiễm (tăng 1.762 người so với ngày trước), trong đó 1.934 người chết (tăng 122 người so với ngày trước), 14.501 người còn nằm viện, 8.376 người xuất viện.
Pháp 19.586 ca nhiễm, trong đó 860 người chết, 16.976 người còn nằm viện (2.082 người nguy kịch), 2.200 người xuất viện.
Đã một tuần kể từ khi Pháp áp lệnh cấm chưa có tiền lệ để ngăn đà lan virus. Ngày 24-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói lệnh phong tỏa mà Pháp áp dụng có thể kéo dài thêm nhiều tuần nữa. Các lễ tang chỉ hạn chế 20 người, các khu chợ phải đóng cửa.
Đội cứu hộ Pháp di chuyển một bệnh nhân COVID-19 từ một bệnh viện lên trực thăng, ngày 23-3. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Philippe nói không muốn áp lệnh giới nghiêm toàn quốc nhưng không bác bỏ khả năng áp lệnh giới nghiêm cục bộ, tuy nhiên ông cũng nói quyết định này tùy vào các chính quyền địa phương. Hiện TP Nice đã áp lệnh giới nghiêm.
Thủ tướng Philippines cũng nói không nên tung thuốc trị sốt rét rộng rãi ra thị trường để sử dụng điều trị COVID-19, đến chừng nào có thêm các thử nghiệm chính xác.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết chính phủ đã lên danh sách các công ty cần sự hỗ trợ của chính phủ.
Thụy Sĩ hôm nay đã bỏ qua Hàn Quốc trở thành nước có dịch nghiêm trọng thứ tám thế giới với 9.117 ca nhiễm (tăng 322 ca so với ngày trước), trong đó 112 người chết, 8.864 người còn nằm viện (141 người nguy kịch), 131 người xuất viện.
Hàn Quốc ở vị trí thứ chín với 9.036 ca nhiễm, trong đó 120 người chết, 5.410 người còn nằm viện (59 người nguy kịch), 3.507 người xuất viện.
Lượng ca nhiễm nhập cảnh từ Mỹ vào Hàn Quốc những ngày qua khá nhiều. Các chuyên gia y tế cho rằng chính phủ cần siết chặt các bước kiểm dịch với người đến từ Mỹ, thậm chí cách ly 14 ngày, như đã làm với châu Âu.
Khách từ London (Anh) đến sân bay Incheon (Hàn Quốc) ngày 23-3. Ảnh: YONHAP
Hàn Quốc thông báo gói hỗ trợ khẩn cấp 42.000 tỉ won (34 tỉ USD) giải cứu kinh tế.
Anh 6.650 ca nhiễm, trong đó 335 người chết, 6.180 người còn nằm viện (20 người nguy kịch), 135 người xuất viện.
Ngày 24-3, Anh bắt đầu ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa kéo dài ba tuần. Tuy nhiên, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân Anh vẫn đổ ra đường, bất kể việc Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu dân ở trong nhà.
Người dân Anh nghe Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu ở trong nhà, tối 23-3. Ảnh: REUTERS
Các siêu thị bắt đầu hạn chế số lượng khách để tuân thủ đúng quy định “giữ khoảng cách xã hội”.
Áo xấu đi nhiều, bỏ qua Hà Lan với 4.782 ca nhiễm (308 ca mới so với ngày trước), trong đó 25 người chết, 4.748 người còn nằm viện (17 người nguy kịch), 9 người xuất viện.
Hà Lan 4.749 ca nhiễm, trong đó 213 người chết, 4.534 người còn nằm viện (435 người nguy kịch), 2 người xuất viện.
Bỉ 4.269 người nhiễm (tăng 526 ca so với ngày trước), trong đó 122 người chết (tăng 34 người), 3.686 người còn nằm viện (381 người nguy kịch), 461 người xuất viện.