COVID-19 thế giới: Mỹ xấu nhanh, chỉ sau Trung Quốc, Ý

Theo số liệu từ trang web thống kê Worldometters, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới với 81.093 ca nhiễm, trong đó tới 3.270 người chết, 5.120 người còn nằm viện (1.749 người nguy kịch), 72.703 người hồi phục xuất viện.

Phần lớn các ca nhiễm mới ở Trung Quốc những ngày này là nhiễm nhập cảnh, hơn 300 ca tính đến ngày 21-3.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 người Trung Quốc hồi hương ở Thượng Hải ngày 21-3. Ảnh: CHINA DAILY

Theo China Daily, các công tố viên được lệnh tăng nỗ lực đối phó với tình trạng người nhập cảnh vi phạm quy định kiểm dịch.

Ý đón 52 bác sĩ Cuba sang giúp

Ý vẫn đứng đầu châu Âu với 59.138 ca nhiễm, trong đó tới 5.560 người chết, 46.638 người còn nằm viện (3.000 người nguy kịch), 7.024 người xuất viện.

Ý vẫn là nước có số người chết mỗi ngày nhiều nhất thế giới hiện tại, với 651 người chết trong ngày 22-3. Tuy nhiên, con số này có giảm so với số người chết trong ngày 21-3 (793). Diễn biến này cho thấy các biện pháp phong tỏa ngăn chặn ở tâm dịch phía bắc nước Ý có thể bắt đầu cho thấy hiệu quả. 

Một tháng kể từ ngày ghi nhận ca tử vong đầu tiên, hiện Ý tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp mạnh kiểm soát đại dịch. Ngày 22-3 Bộ Nội vụ và Bộ Y tế ra tuyên bố yêu cầu dân ở đâu ở yên đó, cấm đi lại các địa phương trong nước nếu không có lý do khẩn cấp và chính đáng, nhằm hạn chế dịch lây lan. Ý cũng lệnh toàn bộ doanh nghiệp đóng cửa đến ngày 3-4, trừ các dịch vụ, ngành nghề thiết yếu.

Reuters cho biết 52 bác sĩ Cuba đến TP Milan, vùng Lombardy - tâm dịch ở miền Bắc Ý để chung tay với các đồng nghiệp Ý. Đây là nhóm bác sĩ thứ 6 Cuba gửi ra các nước để giúp chống dịch COVID-19. Trước đó Cuba đã gửi các nhóm bác sĩ sang Venezuela, Nicaragua, Jamaica, Suriname, Grenada.

Nhóm bác sĩ, y tá Cuba đến sân bay Malpensa gần TP Milan, vùng Lombardy (Bắc Ý) ngày 22-3 để hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc cũng đã gửi bác sĩ và thiết bị y tế đến giúp Ý. Quân đội Nga cũng cho biết chuẩn bị gửi hàng hỗ trợ qua giúp Ý, theo lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mỹ thành nước có dịch nghiêm trọng thứ ba thế giới

Mỹ đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ ba thế giới với 35.070 ca nhiễm, trong đó 458 người chết, 34.434 người còn nằm viện (3.000 người nguy kịch), 7.024 người xuất viện.

Gần 50% ca nhiễm ở bang New York. Đây cũng là bang có nhiều người chết nhất: 117. Washington và California là hai bang có dịch nghiêm trọng thứ hai và thứ ba ở Mỹ. 

Ngày 22-3 thêm một nghị sĩ Mỹ nhiễm bệnh - thượng nghị sĩ Rand Paul. Trước đó đã có hai hạ nghị sĩ nhiễm COVID-19.

Phó Tổng thống Mike Pence đã xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus gây dịch COVID-19. Ông cho biết đã có 240.000 người Mỹ được xét nghiệm, và 10% dương tính.

Tính đến ngày 22-23 đã có tám bang ở Mỹ (New York, California, Illinois, Connecticut, New Jersey Ohio, Louisiana và Delaware) với 1/3 dân số Mỹ yêu cầu dân ở yên trong nhà. Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom kêu gọi người dân “đừng ích kỷ” mà hãy trưởng thành, hãy ở yên trong nhà.

Người dân vẫn đổ ra bãi biển Hungtinton, bang California (Mỹ) ngày 21-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Chính quyền bang New York đề nghị chính phủ triển khai quân đội hỗ trợ các bệnh viện, tránh quá tải. Tổng thống Donald Trump ngày 22-3 cho biết Vệ binh quốc gia sẽ giúp các bang New York, California, Washington chống dịch.

Tây Ban Nha kéo dài lệnh khẩn cấp

Tây Ban Nha 28.768 ca nhiễm, trong đó 1.772 người chết, 24.421 người còn nằm viện (1.785 người nguy kịch), 2.525 người xuất viện.

Tây Ban Nha ngày 22-3 đã kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày nữa, đến ngày 11-4.

Ông Fernando Simon - người đứng đầu trung tâm y tế khẩn cấp Tây Ban Nha thừa nhận hệ thống y tế nước này đang có nguy cơ quá tải cao, đặc biệt tại hai TP Madrid và Barcelona chiếm gần nửa số ca nhiễm cả nước.  Hiện Tây Ban Nha đang khẩn trương xây thêm nhiều bệnh viện dã chiến để cứu chữa người bệnh.

COVID-19 đã biến hàng chục trong khoảng 5.500 nhà dưỡng lão ở Tây Ban Nha trở thành ổ dịch. Hầu hết các nhà dưỡng lão đều thiếu trang thiết bị y tế để chữa trị và thiếu cả nhân sự chăm sóc người bệnh. Theo Reuters, nhiều nhân viên các nhà dưỡng lão cho biết họ quá sợ phải đi làm, tiếp xúc các ca bệnh, chứng kiến người chết. Nhiều nhân viên đã bị lây nhiễm.

Giữa tuần trước các công tố viên đã điều tra vụ có 17 trường hợp tử vong tại nhà dưỡng lão Monte Hermoso ở Madrid - tâm dịch của Tây Ban Nha.

Đức 24.873 ca nhiễm, trong đó 94 người chết, 24.513 người còn nằm viện (23 người nguy kịch), 266 người xuất viện.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải cách ly sau khi tiếp xúc một bác sĩ nhiễm COVID-19.

Theo Viện Y tế công cộng Robert Koch, con số thật sự sẽ còn cao hơn vì nhiều chính quyền địa phương chưa báo cáo con số cuối tuần rồi.

Ông Clemens Fuest - Chủ tịch Viện kinh tế IFO (Đức) tính toán khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến kinh tế Đức mất từ 255 đến 729 tỉ euro trong năm nay.

“Tổn thất có thể sẽ vượt quá mức mà các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thảm họa thiên nhiên gây ra cho nước Đức những thập niên gần đây” - ông Fuest cảnh báo.

Cụ thể, theo ông Fuest, nếu kinh tế bị đình trệ hai tháng, tổn thất sẽ nằm ở mức 255-495 tỉ euro. Nếu kinh tế bị đình trệ ba tháng thì con số này sẽ 354-729 tỉ euro.

Iran xuống vị trí thứ năm

Iran từ vị trí nước có dịch nghiêm trọng thứ ba thế giới xuống vị trí thứ năm nhưng không phải vì tình hình dịch ở Iran tiến triển tốt mà do các nước khác tiến triển xấu. Iran cũng là nước có dịch nghiêm trọng nhất khu vực Trung Đông và bị chỉ trích mạnh vì không mạnh tay áp dụng các biện pháp kiểm dịch ngay từ đầu.

Tính đến ngày 23-3 Iran có 23.049 ca nhiễm (tăng 1.411 người so với ngày trước), trong đó 1.812 người chết (tăng 127 người so với ngày trước), 12.861 người còn nằm viện, 8.374 người xuất viện.

Khử khuẩn đường phố thủ đô Tehran (Iran) ngày 20-2. Ảnh: REUTERS

Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã gửi một tàu bệnh viện 50 giường và nhân viên y tế từ Pháp đến TP Isfahan (trung Iran) hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân.

Pháp thử nghiệm thuốc điều trị

Pháp 16.018 ca nhiễm (tăng 1.559 trong ngày 22-3), trong đó 674 người chết (tăng 112 trong ngày 22-3), 13.144 người còn nằm viện (1.746 người nguy kịch), 2.200 người xuất viện.

Quốc hội Pháp thông qua dự luật y tế khẩn cấp, siết chặt trừng phạt những ai chống lại lệnh phong tỏa. Người vi phạm sẽ bị phạt 135-3.700 euro (gần 4.000 USD) và nếu lặp lại sẽ phải chịu sáu tháng tù.

Ngày 22-3 các bệnh viện Pháp bắt đầu thử nghiệm thuốc chống sốt rét và ba loại thuốc khác vào điều trị.

Hàn Quốc tăng kiểm soát nhập cảnh từ Mỹ

Hàn Quốc hiện có 8.961 ca nhiễm, trong đó 111 người chết, 5.684 người còn nằm viện (59 người nguy kịch), 3.611 người xuất viện.

Ngày 22-3 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới ít nhất kể từ khi đà giảm ca nhiễm bắt đầu từ cuối tháng trước (64 ca).

Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nghiêm biện pháp giãn khoảng cách xã hội, tuyên bố sẽ có biện pháp pháp lý mạnh nếu các cơ sở tôn giáo không tuân thủ quy định ngừa dịch. Khoảng 60% nhà thờ ở Hàn Quốc đóng cửa trong ngày cuối tuần 22-3.

Hành khách từ Đức về đến sân bay Incheon (Hàn Quốc) ngày 22-3. Ảnh: YONHAP

Với tình hình dịch ở Mỹ xấu đi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc nói sẽ nghiên cứu áp dụng các biện pháp kiểm dịch người nhập cảnh từ Mỹ. Hàn Quốc kêu gọi công dân không ra nước ngoài.

Thụy Sĩ 7.724 ca nhiễm, trong đó 98 người chết, 7.495 người còn nằm viện (141 người nguy kịch), 131 người xuất viện. Theo ông Daniel Koch - lãnh đạo bộ phận truyền thông về bệnh truyền nhiễm Văn phòng Y tế Liên bang, điểm cuối của khủng hoảng chưa thể dự đoán được.

Chính phủ đề nghị người lớn tuổi từ 65 trở lên không ra khỏi nhà, chỉ đi khi cần gặp bác sĩ.

Anh đang đi theo con đường của Ý

Anh 5.683 ca nhiễm, trong đó 281 người chết, 5.267 người còn nằm viện (20 người nguy kịch), 135 người xuất viện.

Ngày 21-3, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo tình hình dịch ở Anh đang có chiều hướng phát triển giống như Ý - ổ dịch lớn nhất châu Âu. Theo ông, số ca tử vong hiện tại của Anh gần như tương đồng với số ca tử vong của Ý thời điểm COVID-19 chưa bùng phát dữ dội ở nước này. Thủ tướng Johnson cũng cảnh báo hệ thống y tế Anh có thể sẽ quá tải như của Ý chỉ trong hai tuần nữa.

“Các con số rất khắc nghiệt và đang leo thang. Chúng ta chỉ còn vài tuần - 2 hoặc 3 - sau Ý. Trừ khi chúng ta hành động cùng nhau, trừ khi chúng ta có nỗ lực quốc gia quả cảm để làm chậm đà lây, hệ thống y tế chúng ta cũng sẽ có khả năng bị quá tải tương tự” – Reuters dẫn lời ông Johnson.

Nhân viên y tế Anh mua hàng tại siêu thị Tesco ở TP Newcastle-under-Lyme thuộc hạt Staffordshire (Anh) ngày 22-3. Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 22-3 cho biết chính phủ Anh sẽ triển khai quân đội hỗ trợ phân phối thiết bị y tế đến các bệnh viện, công việc sẽ diễn ra cả ngày và đêm để nhanh chóng hoàn tất trong vài ngày tới.

Bộ Y tế và Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia thống nhất chi một lượng lớn bộ xét nghiệm từ kho dự trữ để đối phó khả năng xảy ra đại dịch cúm.

Ngày 21-3, Bộ Y tế Anh đạt thỏa thuận được với lĩnh vực bệnh viện tư cùng chung tay cứu chữa bệnh nhân. Với thỏa thuận này Bộ Y tế Anh có thêm hàng ngàn giường bệnh, máy trợ thở, nhân viên y tế tham gia công cuộc chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm