Nóng kỷ lục, Úc tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tiểu bang đông dân nhất Úc tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai chỉ trong hai tháng liền, vì sức nóng cực độ và gió mạnh không thể kiểm soát được từ đám cháy rừng.

Lính cứu hỏa được sử dụng toàn bộ nguồn lực của chính phủ để di tản người dân, phong tỏa đường và đóng cửa các cửa hàng tiện ích trên khắp bang New South Wales, nơi 100 đám cháy đang hoành hành.

Với hơn một nửa trong số đám cháy không kiểm soát được và dự báo nhiệt độ sẽ vượt quá 40 độ C, các quan chức cảnh báo người dân sống gần đó cần cảnh giác cao độ trong vài ngày tới.

Nhiệt độ trung bình tối đa trên cả nước Úc vào hôm 17-12 là 40,9 độ C, theo Cục Khí tượng học Úc, cao hơn mức kỷ lục năm 2013 là 40,3 độ C.

Đây chỉ là nhiệt độ trung bình trên toàn nước Úc, sức nóng ở một số nơi có thể cao hơn nữa, như thị trấn Ceduna ở Nam Úc với nhiệt độ đã lên tới 45,5 độ C.

Một lính cứu hỏa Úc đang cố gắng dập lửa ở phía bắc Sydney vào ngày 10-12-2019. Ảnh: CNN

Dữ liệu của Cục Khí tượng cho thấy nhiệt độ ở Úc có khả năng sẽ vượt ngưỡng một lần nữa trong tuần này.

Người dân Úc đã phải chiến đấu với các vụ cháy rừng trên khắp bờ biển phía đông trong nhiều tuần liền.

Đám cháy khiến sáu người thiệt mạng, hơn 680 ngôi nhà bị phá hủy, gần 1,2 triệu ha đất rừng bị cháy, có khả năng giết chết hàng trăm con gấu túi và động vật hoang dã khác.

Khoảng 1.700 lính cứu hỏa đã được triển khai trên toàn tiểu bang nhưng các quan chức cảnh báo rằng số lượng lính cứu hỏa này sẽ không đủ để chuẩn bị cho mối nguy hiểm tiềm tàng khác. 

Chính quyền Úc cũng kêu gọi người dân ở các khu vực nguy hiểm phải sơ tán sớm nhất có thể.

Tình trạng khẩn cấp được thông báo sẽ kéo dài trong bảy ngày, trong khi lệnh cấm sử dụng lửa đã được áp dụng kể từ hôm 17-12 và sẽ chấm dứt vào nửa đêm 21-12.

Rừng cây bị cháy sau vụ cháy rừng ở Blue Mountains, cách Sydney khoảng 120 km về phía tây bắc vào ngày 18-12-2019. Ảnh: CNN

Thành phố Sydney mù mịt khói

Sydney, thủ phủ của bang NSW, tràn ngập trong khói và tro bụi, che khuất tầm nhìn của người đi đường.

Ngay cả những địa điểm dễ nhận diện từ xa như Nhà hát lớn và Cầu cảng Sydney cũng không còn nhìn thấy rõ.

Người dân di chuyển trên đường phố phải đeo mặt nạ trong những tuần gần đây, vì chất lượng không khí đã giảm xuống mức nguy hiểm chưa từng thấy tại Sydney.

Khói từ đám cháy rừng che khuất cảng Sydney, Úc ngày 19-12-2019. Ảnh: REUTERS

Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp trong tuần qua đã tăng tới 10%, theo Sở cứu thương NSW.

Những người mắc bệnh hen suyễn và các bệnh hô hấp khác được khuyên nên ở nhà, tránh đi ra ngoài và luôn giữ thuốc của họ ở bên mình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm