Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là người có ảnh hưởng lớn trong tiến trình ra quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại, thậm chí thỉnh thoảng còn quyết định Tổng thống Mỹ Donald Trump cần nghe hay không cần nghe điều gì. Điều này được báo The Washington Post (Mỹ) đưa tin, dẫn lời “hơn cả chục đương kim và cựu quan chức chính phủ Mỹ” đề nghị không nêu tên.
Các quan chức bị hạn chế gặp ông Trump
Theo các nguồn tin, ông Bolton đã giảm tối đa số lượng các cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng, thay thế hàng loạt chuyên gia trong Hội đồng An ninh Quốc gia bằng các nhân vật không nhiều chuyên môn bằng nhưng có quan điểm cứng rắn giống mình.
Việc giảm các cuộc họp cấp cao này đã dẫn tới tình huống mà theo lời ví của một cựu quan chức có liên quan đến quá trình bàn luận về Syria là “bánh xe không nối được với động cơ”.
Ông Bolton (phải) được cho có ảnh hưởng quyết định, chính sách của ông Trump (trái). Ảnh: AFP
Thậm chí ngay cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - người từng bực mình với hàng loạt cuộc họp do người tiền nhiệm ông Bolton là Tướng H.R. McMaster tổ chức – cũng cho rằng việc khan hiếm các cuộc họp cấp cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình ra quyết định.
Theo các nguồn tin của The Washington Post, với sự can thiệp của ông Bolton, hoạt động của Hội đồng An ninh Quốc gia thay đổi từ chính sách “cửa luôn luôn mở đến cửa luôn luôn đóng”.
Hậu quả là một số quan chức nội các bắt đầu tự phát triển các kênh thông tin riêng cá nhân mình với ông Trump với chủ ý tránh bị ông Bolton can thiệp. Một ví dụ trong trường hợp này là Ngoại trưởng Mike Pompeo, Washington Post dẫn lời các nguồn tin.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Garrett Marquis khẳng định chuyện nói các cuộc họp bị điều chỉnh giảm đi là không đúng, chỉ là một số trong đó đơn giản được thay bằng “các cuộc họp văn bản” – các quan chức cấp cao trao đổi chính sách qua tài liệu, văn bản.
Ông Bolton cũng được cho dựa phần lớn vào các nhân vật thân tín mà ông mang về Hội đồng An ninh Quốc gia, chịu trách nhiệm về các chính sách Trung Đông, Iran, Triều Tiên, Trung Quốc. Đây là các điểm nóng mà ông Bolton vốn có quan điểm cứng rắn.
Đứng sau quyết định rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga?
Theo các tiết lộ gần đây, người đứng sau quyết định rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga của ông Trump là ông Bolton.
Cụ thể, ông Trump đi đến quyết định này từ sự cố vấn của ông Bolton mà không qua tham vấn với các bộ ngành, cơ quan chính phủ. Theo các nguồn tin, quyết định không hề được bàn với những người đứng đầu bộ quốc phòng, ngoại giao, tài chính, tư pháp.
Lần đầu tiên Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là vào tháng 10-2018, với lý do Nga vi phạm Hiệp ước. Đến tháng 2 Mỹ thông báo kích hoạt tiến trình sáu tháng rút khỏi Hiệp ước. Nga cũng phản ứng bằng cách tuyên bố rút.
Ông Bolton (phải) được cho đứng đằng sau quyết định rút khỏi Hiệp ước INF của ông Trump (trái). Ảnh: NIKKEI
Cho rằng ông Bolton đã dùng tâm sức rất nhiều để tác động đến các quyết định của ông Trump, các nguồn tin cho biết ông Bolton thường cố gắng có mặt tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào buổi sáng trước khi ông Trump đến.
Tuy nhiên tờ The Washington Post cũng cho rằng ông Bolton vẫn không phải có quyền lực tuyệt đối trong việc thay đổi suy nghĩ của ông Trump. Có thể thấy điều này qua việc ông Trump thông báo rút quân khỏi Syria trong sự ngạc nhiên của ông Bolton vốn lâu nay vẫn cho rằng nên duy trì quân Mỹ ở Syria đến khi nào Iran rút hết quân khỏi nước này. Có thông tin ông Bolton đã bỏ nhiều ngày trời cố gắng thuyết phục ông Trump thay đổi quyết định này nhưng không thành công.
Đây không phải lần đầu tiên tờ The Washington Post đưa tin ông Bolton thao túng dòng chảy thông tin và lèo lái quyết định cấp trên. Năm 2005, cũng tờ báo này từng phỏng vấn một số đồng nghiệp của ông Bolton thời nhân vật này còn làm Thứ trưởng Ngoại giao và được cho biết rằng chuyện ông Bolton giữ kín các biên bản nội bộ không phù hợp với quan điểm chính trị riêng mình là chuyện thường.