Việc tiêm chủng ở Mỹ đã không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu khi các quan chức Mỹ hy vọng sẽ có khoảng 20 triệu người được tiêm chủng vào cuối năm 2020, nhưng thực tế chỉ mới 4,2 triệu liều được tiêm cho dân.
Tuy nhiên, ngày 3-1, ông Moncef Slaoui - người đứng đầu Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của chính phủ Mỹ - vẫn lạc quan rằng quá trình tiêm chủng ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng tốc.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ -Tiến sĩ Anthony Fauci và Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cũng bày tỏ niềm tin rằng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ đang tăng nhanh sau khoảng thời gian khởi đầu khá chậm chạp.
“Chúng tôi đã không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi vẫn có thể làm được” - ông Fauci nói, thêm rằng ông tin số lượng tiêm chủng hàng ngày có thể được tăng lên một triệu người và kêu gọi "sự hợp tác" giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang.
Nhân viên y tế cầm một lọ vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Moderna sản xuất. Ảnh: REUTERS
Đề xuất cắt giảm nửa liều lượng vaccine Moderna
Hãng tin Channel News Asia (CNA) cho biết ông Slaoui tiết lộ các quan chức nước này đang trao đổi với Moderna và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về ý tưởng cắt giảm nửa liều vaccine COVID-19.
"Chúng tôi biết rằng đối với vaccine Moderna, việc tiêm một nửa liều cho những người từ 18 đến 55 tuổi, hai mũi nhưng một nửa liều lượng, vẫn có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cho gấp đôi số người với liều lượng hiện có” - ông Slaoui nói.
“Chúng tôi tin rằng dù giảm một nửa liều lượng nhưng vaccine vẫn tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự việc tiêm đầy đủ liều lượng” - người đứng đầu chiến dịch Warp Speed chia sẻ thêm.
Moderna là một trong những tập đoàn dược phẩm Mỹ sản xuất ra vaccine ngừa COVID-19 và nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) của FDA. Theo hướng dẫn của Moderna, loại vaccine của họ bao gồm hai mũi tiêm.
Ông Moncef Slaoui - người đứng đầu Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của chính phủ Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ông cũng bác bỏ đề xuất cho rằng nên ưu tiên tiêm một mũi thay vì giữ lại vaccine để tiếp tục tiêm mũi thứ hai để có thể tiêm chủng cho nhiều người hơn. Theo ông, việc cắt giảm một nửa liều vaccine Moderna là "một cách tiếp cận có trách nhiệm hơn dựa trên thực tế và dữ liệu".
Hiện Moderna và FDA vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận về ý tưởng này.
Ngoài ra, ông Slaoui cho rằng có khả năng đến cuối mùa xuân vẫn chưa biết được những người được tiêm chủng vẫn còn khả năng lây truyền bệnh cho người khác hay không, theo CNA.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đã tiêm 4.225.756 liều đầu tiên của vaccine COVID-19 trên toàn quốc tính đến sáng 2-1, số lượng liều đã phân phối là 13.071.925.
Ngoài Moderna, Mỹ cũng đã phê duyệt loại vaccine ngừa COVID-19 khác do tập đoàn dược phẩm Pfizer hợp tác sản xuất cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech. Cũng giống như của Moderna, vaccine của Pfizer-BioNTech cần phải tiêm hai mũi.
Những lọ vaccine ngừa COVID-19 đặt trước logo tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump bị phản bác vì cho rằng số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ bị thổi phồng
Tiến sĩ Fauci và Tổng Y sĩ Adams hôm 3-1 đã phản bác tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cho rằng dữ liệu về các ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã bị thổi phồng quá mức, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng tốc độ tiêm chủng đang tăng lên.
“Tình trạng các bệnh viện chật cứng bệnh nhân và các nhân viên y tế đang phải đối mặt với vô van căng thẳng không phải là thông tin giả mà là thật” - Tiến sĩ Fauci cho biết
Hai quan chức y tế hàng đầu nước Mỹ đã lên tiếng bảo vệ tính chính xác của dữ liệu COVID-19 do CDC công bố sau khi Tổng thống Trump chỉ trích số liệu thống kê của cơ quan này.
“Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, tôi không có lý do gì để nghi ngờ những con số đó và tôi nghĩ mọi người cần phải nhận thức rõ rằng vấn đề ở đây không chỉ là về những ca tử vong mà còn là số lượng người nhiễm mới phải nhập viện" - ông Fauci nhận định.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ -Tiến sĩ Anthony Fauci đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã nói rằng: “Số ca nhiễm mới và số người tử vong do COVID-19 đã bị thổi phồng quá mức ở Mỹ vì cách thống kê nực cười của CDC so với các quốc gia khác, mà nhiều nước chủ ý thông báo con số rất thiếu chính xác và thấp”.
Tổng thống Trump, người sắp kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20-1 đã nhiều lần xem thường mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích và phớt lờ các khuyến nghị về biện pháp phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh của các cơ quan y tế Mỹ.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, nước Mỹ đã có hơn 21 triệu người nhiễm bệnh và hơn 360.000 người đã chết, theo số liệu thống kê từ trang Worldometers.com.