"Hiện tại, vì có vấn đề về tuyên bố sở hữu, chúng tôi sẽ dùng đến các cuộc đàm phán ngoại giao", tờ Philippines Star ngày 11-7 dẫn lời phát ngôn viên của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo nói trong một cuộc họp báo.
Theo ông Panelo, đây là chiến lược mà Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định.
Khi được hỏi liệu Philippines có cơ hội giành lại quyền kiểm soát các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông hay không, Panelo nói rằng chính phủ không biết cơ hội này "nhưng chúng tôi đang làm điều đó". Ông không nói rõ "điều đó" là gì và làm “điều đó” như thế nào.
Phản ứng trên là để đáp lại cuộc khảo sát mới nhất của tổ chức Social Weather Stations (SWS), theo đó hầu như tất cả người dân Philippines đều tin rằng điều quan trọng đối với Philippines là giành lại quyền kiểm soát các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.
Cụ thể, tổng cộng 93% trong số 1.200 người trưởng thành được hỏi nói rằng “việc kiểm soát các đảo mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng ở Biển Đông được trả lại cho Philippines" là "rất" và "khá" quan trọng, hãng nghiên cứu Social Weather Stations (SWS) nói trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 10-7.
Ông Salvador Panelo. Ảnh: PHILSTAR
Theo kết quả khảo sát từ ngày 22 đến 26-6, chỉ có tổng cộng 2% người được hỏi cho rằng việc giành lại quyền kiểm soát các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng "hơi không" và "hoàn toàn không" quan trọng đối với Philippines, trong khi 4% không quyết định.
SWS, công ty có trụ sở ở Manila, cho biết tỉ lệ người Philippines có cùng tâm trạng đã gia tăng trong bốn cuộc khảo sát về vấn đề này kể từ tháng 6-2018, theo hãng tin DPA.
"Tỉ lệ mới nhất 93% cao hơn 4 điểm phần trăm so với con số 89% vào tháng 12-2018", SWS cho biết. "Tỉ lệ tương ứng là 87% vào tháng 9-2018 và tháng 6-2018” - công ty này thông tin.
"Những lời kêu gọi hành động của chính phủ liên quan đến Biển Tây Philippines đã tăng lên đáng kể", công ty trên nói thêm. Biển Tây Philippines là tên mà Philippines sử dụng để gọi Biển Đông.
Tổng cộng 89% cho rằng việc chính phủ Philippines “để Trung Quốc tự tung tự tác” với cơ sở hạ tầng và sự hiện diện quân sự tại các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là “không phù hợp”.