Hãng tin Reuters dẫn lời nhiều giáo viên và chuyên gia rằng một số lượng không nhỏ học sinh Trung Quốc đang đối mặt áp lực với gia đình cũng như trong học tập khi trở lại trường sau thời gian phong tỏa ngừa dịch COVID-19.
Một trong những thực tế đang rất được quan tâm trong giai đoạn hậu phong tỏa là tình trạng tự tử ở học sinh Trung Quốc đang tăng lên.
Học sinh gặp nhiều áp lực, dẫn đến tự tử
Theo tạp chí Tài Tân, một lãnh đạo của quận Phố Đông Tân Khu của TP Thượng Hải nói rằng tính cuối tháng 5, đã có 14 học sinh tiểu học và trung học tự tử. Đây là con số báo động vì cao hơn so số vụ tự tử của học sinh hằng năm trong ba năm qua tại khu vực này.
Tuy nhiên, Reuters chưa thể liên lạc với lãnh đạo địa phương để xác nhận về con số trên.
Còn tờ Thời báo Sức khỏecủa Trung Quốc hôm 7-6 cho biết trong ba tháng qua, toàn nước này ghi nhận 18 học sinh nhảy lầu tự tử.
Học sinh ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) trở lại trường hồi tháng 3-2020 sau khi nghỉ vì dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc khảo sát gần 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học do cơ quan y tế tỉnh Quảng Đông và một trường đại học thực hiện, có tới 10,5% học sinh cho biết đang phải “chật vật” với nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần sau thời gian trở lại trường học.
Tuy nhiên, vấn đề cụ thể là gì không được công bố, theo Reuters.
"Đã có một số sự việc đau lòng khi các trường học mở cửa trở lại. Đó là việc giới trẻ tự tử vì không chịu đựng được áp lực” – ông Yan Wu, Phó Thị trưởng TP Châu Hải (tỉnh Quảng Đông) cho biết tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc tháng trước.
Ông Yan nhấn mạnh: "Điều này cho thấy tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc thúc đẩy các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở học sinh”.
Tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua, có ít nhất bốn đại biểu nêu ra các đề xuất cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần, vấn đề tâm lý của học sinh.
Tăng cường giáo dục kỹ năng về cuộc sống
Việc học sinh bị áp lực và tự tử đã đặt ra cho các trường học và chính quyền địa phương cần tập trung đến sức khỏe tâm thần của học sinh, trong đó có vấn đề tự tử. Theo Reuters, tự tử được xem là điều tối kỵ trong xã hội Trung Quốc.
Cuối tháng 4, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các trường học trong cả nước chú ý đến sức khỏe tâm thần và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để giảm bớt áp lực cho học sinh.
Học sinh tại một trường THPT ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong giờ tan học hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS
Sau đó, một số địa phương cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm áp lực đối với học sinh. Chẳng hạn, tỉnh An Huy đã bỏ một số kỳ thi. Chính quyền các tỉnh và thành phố như Vũ Hán (tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc lúc trước), Hải Nam, Thượng Hải đã mở các lớp “giáo dục về cuộc sống” nhằm giúp học sinh đối phó với căng thẳng và đau buồn trong thời gian hậu phong tỏa.
"Mục đích là để làm cho học sinh nhận ra rằng cảm giác căng thẳng là điều tự nhiên, và cách giải quyết sự căng thẳng đó có thể dẫn đến kết quả khác nhau" – một giáo viên giảng dạy chương trình này cho biết.
Một cố vấn tâm lý tại một trường học ở Thượng Hải nói với Reuters: "Trở lại trường học sau khi thời gian phong tỏa vì đại dịch rất khác so với việc trở lại trường sau thời gian nghỉ đông. Học sinh gặp nhiều áp lực trong học tập và các kế hoạch khác”.
"Tôi hy vọng qua đại dịch này giới trẻ sẽ học cách đối phó với những thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống luôn đầy khó khăn", vị này nhấn mạnh.