Theo đó, “cuộc chiến” của ông Johnson tại nghị viện sẽ bắt đầu ngày 22-10, khi các nhà lập pháp Anh sẽ tranh luận và bỏ phiếu về “Dự luật Thỏa thuận triệt thoái” (Withdrawal Agreement) - dự luật chi tiết đưa Brexit có thỏa thuận thành luật nội bộ của nước Anh.
“Tôi hy vọng Quốc hội ngày 22-10 sẽ bỏ phiếu để lấy lại quyền kiểm soát cho chính họ” - ông Johnson nói - “Công chúng không muốn trì hoãn Brexit, cả các nhà lãnh đạo châu Âu khác và cả tôi nữa. Hãy để Brexit diễn ra đúng hạn 31-10 và cái gì tới sẽ tới”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước Quốc hội hôm 19-10 . Ảnh: REUTERS
Trước đó, hôm 21-10, Quốc hội thẳng thừng bác bỏ một cuộc bỏ phiếu về việc có hay không có thỏa thuận Brexit. Lần này, ông Johnson tiếp tục tìm cách thông qua dự luật này tại Quốc hội càng nhanh càng tốt, theo Reuters.
Kêu gọi các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu cho giai đoạn đầu của "Dự luật Thỏa thuận triệt thoái" này, ông Johnson nói rằng đã bảo đảm một thỏa thuận mới để Anh có thể tiếp tục và thảo luận về các vấn đề như dịch vụ y tế, giáo dục và chi phí sinh hoạt.
Chính phủ Anh cũng đề nghị Quốc hội bỏ phiếu thông qua vấn đề gọi là "đọc luật" lần hai trước khi đưa ra thời gian biểu để tăng tốc cho việc trình lên Quốc hội thông qua đúng thời hạn.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp của Công đảng đối lập Anh lại cáo buộc Thủ tướng Johnson cố gắng “thúc đẩy” dự luật để Quốc hội thông qua mà không cho Hạ viện đủ thời gian để nghiên cứu 110 trang của dự luật này.
Reuters cho hay các nhà lập pháp có thể bỏ phiếu bác bỏ thời gian biểu. Điều này tiếp tục có nguy cơ ảnh hướng đến tiến độ Brexit đúng hạn 31-10.
Đáp lại, đội ngũ của Thủ tướng Johnson bày tỏ tin tưởng rằng Chính phủ sẽ đạt được những con số ấn tượng trong cuộc bỏ phiếu này để dự luật được thông qua.
"Chúng tôi đã đàm phán một thỏa thuận mới để chúng tôi có thể ra đi mà không bị gián đoạn và cung cấp khuôn khổ các tổ chức mối quan hệ mới dựa trên thương mại tự do và hợp tác thân thiện" - ông Johnson nói - "Chúng tôi sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng chúng tôi sẽ luôn là người châu Âu".
Công cuộc Brexit diễn ra đúng hạn của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang rất "chông chênh" bởi đều không nhận được phiếu bầu ủng hộ trong Quốc hội cho thỏa thuận Brexit mà ông đề xuất.
Trước đó, Quốc hội đã yêu cầu ông Johnson gửi thư lên EU gia hạn thời gian đàm phán, trì hoãn Brexit nhưng ông lại không ký tên. Ngoài ra, ông cũng gửi một lá thư đến Brussels nói rằng ông không muốn kéo dài Brexit thêm chút nào nữa.