Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 23-3

Tính đến 6 giờ 30 sáng 23-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 14.512 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 329.924 ca nhiễm.

Như vậy, so với ngày 22-3, số ca tử vong tăng 1.180 người. Hiện đại dịch đã lan ra 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 95.052 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 5.744 người so với ngày 22-3.

Nhân viên y tế khử trùng đường phố TP New York, Mỹ tối 21-3. Ảnh: CNN

Chuyên gia WHO: Chỉ phong tỏa thôi chưa đủ

Hiện ngày càng nhiều nước phong tỏa, hạn chế đi lại để cản đà lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Michael Ryan cảnh báo việc chỉ ban hành lệnh phong tỏa thôi chưa đủ.

Theo ông, nếu không đi kèm với các biện pháp tăng cường y tế cộng đồng mạnh mẽ để dập dịch, dịch có nguy cơ bùng phát trở lại khi gỡ bỏ phong tỏa.

"Điều chúng ta cần tập trung là tìm người bị bệnh, người mang virus và cách ly họ, tìm và cách ly những người tiếp xúc với họ. Nếu bây giờ chúng ta không áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ, khi những biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa được gỡ bỏ, bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại" - ông Ryan phát biểu với đài BBC ngày 22-3 (giờ địa phương).

Chuyên gia này cũng chỉ ra các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc đang kết hợp việc phong tỏa cùng với các biện pháp mạnh khác như xét nghiệm hàng loạt. Đây là hình mẫu cho các nước châu Âu, hiện đang là điểm nóng của dịch COVID-19.

"Một khi trấn áp được việc lây lan, chúng ta phải truy theo virus và chống lại nó" - đại diện WHO chia sẻ.

Về vaccine ngừa COVID-19, ông Michael Ryian cho biết nhiều loại đang được phát triển nhưng chỉ mới có một loại bắt đầu thử nghiệm ở Mỹ. Dù vậy, để đảm bảo an toàn, có thể mất đến một năm nữa để đưa vào sử dụng.

Thủ tướng Đức cách ly tại nhà do tiếp xúc người nhiễm COVID-19

Hãng tin Reuters ngày 22-3 dẫn lời phát ngôn viên của thủ tướng Đức Steffen Seibert, xác nhận bà Angele Merkel đã tiến hành cách ly tại nhà sau khi gặp và tiếp xúc một bác sĩ dương tính với virus SARS-CoV-2 cuối tuần qua.

Ông Steffen Seibert khẳng định trong thời gian cách ly, Thủ tướng Merkel vẫn điều hành công việc bình thường và tình trạng sức khỏe vẫn ổn định.

Tại Đức, nước này hiện không cấm người dân rời khỏi nhà, song nhiều khả năng cấm các cuộc tụ tập có hơn hai người, theo hãng tin Bloomberg.

Phát biểu họp báo ngày 22-3, lãnh đạo bang North Rhine-Westphalia - ông Armin Laschet cho biết các thành viên trong gia đình sẽ được miễn trừ quy định này. 

Trong khi đó, bang Bayern đã ban bố tình trạng giới nghiêm bắt đầu từ ngày 21-3 và việc ra khỏi nhà phải có lý do hợp lệ, ngoại trừ đi làm nhưng phải có giấy xác nhận của cơ quan, công ty đang công tác.

Các hoạt động khác như mua bán nhu yếu phẩm, gặp bác sĩ, chơi thể thao hoặc đi dạo cũng được cho phép chỉ được làm một mình hoặc với người nhà sống cùng.

Trong khi đó, nhiều bang khác của Đức cũng đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa nhà hàng, cấm tụ tập nhiều người ở nơi công cộng.

Thủ đô Berlin từ ngày 21-3 đóng cửa các nhà hàng, cấm tụ tập trên 10 người, cấm bán hàng cho người ngoài tại các nhà ăn của các nhà máy, xí nghiệp... trừ việc mua mang đi.

Tính đến sáng 23-3 (theo giờ Việt Nam), Đức ghi nhận 23.921 ca nhiễm COVID-19 với 92 trường hợp tử vong. 

Mỹ cân nhắc chi 4.000 tỉ USD giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19

Phát biểu ngày 22-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết hợp với Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ thanh khoản giúp các doanh nghiệp vượt qua 90-120 ngày tiếp theo, theo đài CNBC.

Quy mô chương trình hỗ trợ tài chính này có thể lên tới 4.000 tỉ USD.

Ông Mnuchin cũng tiết lộ chương trình cho vay sẽ được thực hiện cùng gói kích cầu kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ. Gói hỗ trợ này đã tăng từ 1 tỉ USD theo đề nghị vài ngày trước của chính phủ Mỹ lên 2 tỉ USD, tương đương 10% GDP, theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ được Quốc hội thông qua trong ngày 23-3 để Nhà Trắng có thể kịp thời đưa thêm các biện pháp hỗ trợ nếu cuộc khủng hoảng không suy giảm trong 10-12 tuần tới.

Dù vậy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy ngày 22-3 cho biết hai đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ tài chính này và có thể các lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện sẽ tự soạn thảo một dự luật hỗ trợ riêng.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết Thượng viện vẫn sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với gói hỗ trợ 2.000 tỉ bất kể mặc cho Hạ viện phản đối. Và thông tin mới nhất theo kênh tài chính CNBC tối 22-3 tại Mỹ thì Thượng viện đã không thể thông qua gói hỗ trợ này vì đảng Dân chủ phản đối. Đảng Dân chủ không đồng tình việc đảng Cộng hòa muốn chi nhiều tiền trong gói hỗ trợ giải cứu các tập đoàn, chứ không phải ưu tiên người dân.

Tính đến sáng 23-3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 32.057 ca nhiễm COVID-19 với 400 người tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm