Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 31-3

Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến 19 giờ ngày 31-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 38.771. Tổng số ca nhiễm là 801.117. Có 172.319 ca hồi phục.

Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 11.591 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 8.189 ca, Trung Quốc xếp thứ ba với 3.305 ca, Mỹ 3.173 ca, Pháp 3.024 ca, Iran 2.898 ca, Anh 1.408 ca.

Các nước có số ca tử vong ở ba con số: Hà Lan (864), Bỉ (705), Đức (651), Thụy Sĩ (373), Thổ Nhĩ Kỳ (168), Brazil (165), Hàn Quốc (162), Bồ Đào Nha (160), Thụy Điển (146),  Indonesia (136), Áo (128).

Việt Nam hiện ghi nhận 207 ca nhiễm COVID-19, 57 ca đã được chữa khỏi và không có ca tử vong.

Ý sẽ dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân COVID-19

Các thành phố và thị trấn trên khắp nước Ý trong ngày 31-3 (giờ địa phương) sẽ kéo cờ xuống và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân COVID-19, theo hiệp hội các thị trưởng của Ý.

Một lá cờ Ý được treo bên ngoài nhà thờ San Giuseppe khi một binh sĩ đi qua những chiếc xe tải chờ đưa lên xe những cỗ quan tài để chở tới nhà hỏa táng ở Venice và Udine. Ảnh: AP

Tòa thánh Vatican cho biết họ cũng sẽ tham gia lễ tưởng niệm này.

“Ngày hôm nay, trong sự đoàn kết với Ý, tòa thánh sẽ treo cờ rủ và để tang nhằm bày tỏ sự gần gũi tới các nạn nhân trong đại dịch COVID-19 ở Ý và thế giới, tới gia đình của họ cũng như những người đang cố gắng chấm dứt dịch” - Vatican nói trong một tuyên bố.

Theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), đã có 11.591 người chết vì COVID-19 tại Ý. Đây là nước có số ca tử vong COVID-19 cao nhất thế giới.

Iran: Hơn 3.000 ca nhiễm mới trong một ngày

Iran đã ghi nhận thêm 3.111 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 44.606, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpoor cho biết ngày 31-3.

Ông Jahanpoor cho biết thêm Iran hiện có 2.898 ca tử vong vì COVID-19 sau khi tăng thêm 141 ca. Đến nay, 14.656 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện ở Iran, trong khi 3.703 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Bỉ: Bé gái 12 tuổi nhiễm COVID-19 tử vong

Các quan chức y tế Bỉ ngày 31-3 cho biết một bé gái 12 tuổi nhiễm COVID-19 đã tử vong tại nước này.

Độ tuổi còn nhỏ như vậy mà tử vong vì COVID-19 là “rất hiếm khi xảy ra”, người phát ngôn chính phủ Bỉ - bác sĩ Emmanuel Andre cho hay. Người này nói thêm rằng cái chết của cô bé “gây sốc cho chúng tôi”.

Một con đường mua sắm ở Bỉ gần như vắng tanh. Ảnh: REUTERS

Bệnh nhân phát sốt ba ngày trước khi tử vong và đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, Steven Van Gucht - một phát ngôn viên khác của chính phủ Bỉ, cho hay.

Hiện không có thông tin chi tiết về trường hợp của cô bé được tiết lộ, kể cả thông tin cô bé có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào hay không.

Theo số liệu mới nhất, Bỉ - quốc gia nhỏ ở châu Âu với 11,4 triệu dân - ghi nhận 12.775 ca nhiễm, trong đó 705 người đã tử vong.

Các bệnh viện ở Brussels (thủ đô của Bỉ) và ở hai tỉnh tại miền Bắc và miền Tây hiện đang đương đầu với “một tình hình phức tạp hơn” khi số giường bệnh đã chật bệnh nhân, ông Andre nói.

Trung Quốc lùi kỳ thi tuyển sinh đại học một tháng do lo ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc sẽ lùi kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia một tháng trong bối cảnh nước này đang đối phó với đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm tăng lên ở những người về từ nước ngoài, gây lo ngại về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Theo đó, Gaokao (Cao khảo) - kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới và diễn ra trong hai ngày - sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8-7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết.

Việc trì hoãn cuộc thi vốn được xem là kỳ thi “định đoạt” cuộc đời của học sinh Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc nỗ lực khôi phục cuộc sống bình thường sau các lệnh phong tỏa trên diện rộng nhằm ngăn COVID-19 lây lan.

“Trung Quốc đã làm chậm đà lây nhiễm virus và nhờ đó đã vượt qua một đỉnh dịch. Thách thức hiện nay là ngăn các ca nhiễm mới” - ông Tarik Jasarevic - một đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.

Ở Úc và New Zealand, phần lớn ca nhiễm COVID-19 là người trẻ

Theo đài CNN, ở Úc và New Zealand, người trẻ nhiễm COVID-19 chiếm một tỉ lệ lớn.

Một nhân viên y tế làm xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Adelaide, Úc. Ảnh: GETTY

Theo thống kê của chính phủ Úc, 21% ca nhiễm được xác nhận tuổi từ 20-29, 16% ca nhiễm tuổi từ 30-39 và 31% ca nhiễm tuổi từ 60 trở lên.

Ở New Zealand, 26% ca nhiễm được xác nhận tuổi từ 20-29, 14% ca nhiễm tuổi từ 30-39 và 21% tuổi từ 60 trở lên.

Lao động di cư bị phun thuốc khử trùng tại một bang ở Ấn Độ

Theo CNN, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ gây tranh cãi sau khi những người lao động di cư trở về nhà do lệnh phong tỏa toàn quốc đã bị xịt lên người thuốc khử trùng hóa chất dùng để vệ sinh xe buýt.

Một đoạn video cho thấy ba người mặc đồ bảo hộ xịt trực tiếp chất lỏng này lên một nhóm công nhân khi họ ngồi dưới đất ở TP Bareilly.

Ông Ashok Gautam, một quan chức cấp cao phụ trách các chiến dịch chống COVID-19 ở bang Uttar Pradesh, nói với CNN rằng khoảng 5.000 người đã “bị phun thuốc công khai" khi họ về đến rồi sau đó mới cho phép họ giải tán.

Những người lao động di cư bị phun chất khử trùng lên người ở bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi đã phun khử trùng họ như một phần trong nỗ lực khử trùng, chúng tôi không muốn họ trở thành những người mang virus và virus có thể dính trên quần áo của họ. Bây giờ tất cả biên giới đã bị phong tỏa để điều này không xảy ra lần nữa” - ông Gautam nói.

Theo ông, chất khử trùng được sử dụng là một dung dịch được làm từ bột tẩy trắng và không gây hại cho cơ thể người. Khi chất khử trùng hóa học tiếp xúc da người, chúng có thể gây nguy hiểm cho con người.

Theo WHO, việc phun chất khử trùng lên da sẽ không giết chết virus nếu nó đã bám trong cơ thể của bạn.

Ông Lav Agarwal, một quan chức cấp cao tại Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, cho hay các quan chức địa phương tham gia sự việc trên đã bị khiển trách. Người này nói thêm việc phun chất khử trùng lên các công nhân di cư không phải là chính sách “bắt buộc” tại nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm