Tình hình dịch COVID-19 tính đến chiều 23-2

Báo South China Morning Post dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 8 giờ 10 ngày 23-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (tên chính thức COVID-19) là 2.462, tăng bốn ca so với số liệu ban sáng và tổng số ca nhiễm là 78.724, tăng 141 ca. Có 23.092 trường hợp được chữa khỏi.

Tính đến nay có 20 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm ba ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, bốn ca ở Hàn Quốc, một ca ở Đài Loan, sáu ca ở Iran, một ca ở Pháp, một ca ở Philippines và hai ca ở Ý.

Hàn Quốc có 123 ca nhiễm mới, thêm hai ca tử vong

Hàn Quốc sáng 23-2 báo cáo thêm 123 trường hợp nhiễm virus COVID-19 và hai ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 556 ca và bốn ca tử vong, báo South China Morning Post đưa tin.

Du khách đeo khẩu trang ở Gwanghwamun, cổng chính vào cung điện Gyeongbok Palace, một danh thắng ở Seoul hôm 22-2. Ảnh: AP

Trong các trường hợp được báo cáo, có 75 trường hợp có liên quan với nhà thờ giáo phái Shincheonji ở TP Daegu, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Dù có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm, giới chức nói họ sẽ duy trì cảnh báo ở mức cao thứ ba, tức mức "cam", song việc ứng phó với dịch bệnh sẽ được thực hiện tương ứng với mức "đỏ" cao hơn.

Trong tuyên bố hiếm hoi vào tối 22-2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun một lần nữa trấn an người dân rằng virus có thể được khống chế nếu công chúng tuân thủ các chỉ thị của chính quyền.

Lo ngại không truy ra được ổ dịch ngoài Trung Quốc

Việc bùng nổ liên tục nhiều ổ dịch ở những nước xung quanh Trung Quốc cho thấy tình hình ngày càng xấu đi khi dịch bệnh lây lan quá nhanh.

Theo tờ The New York Post ngày 22-2, các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc Trung Quốc mạnh tay đối phó với COVID-19 ở các khu vực của nước này đã cho thế giới có thêm thời gian chuẩn bị chống virus.

Tuy nhiên, các điểm nóng đã xuất hiện khắp toàn cầu khi bệnh nhân đầu tiên của mỗi nước bắt đầu phát tán COVID-19, tạo thành nhiều ổ dịch mới.

Theo đánh giá của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi đầu tháng 2, khi COVID-19 bắt đầu lây lan rộng hơn, việc theo dõi những người có liên hệ với người bệnh là vô ích và gần như bất khả thi.

Trong khi đó, TS Amesh Adalja thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cảnh báo một khi những người đã nhiễm bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bắt đầu lây lan, không thiết bị hay phương pháp nào có thể xác định và phòng ngừa được. 

Bộ trưởng Nhật xin lỗi vụ du khách rời du thuyền dương tính với virus

23 hành khách trên tàu Diamond Princess, nơi ghi nhận hơn 600 ca nhiễm virus COVID-19 chủng mới, đã được rời tàu dù không trải qua toàn bộ xét nghiệm cần thiết.

Khoảng hơn 100 hành khách đã được phép rời khỏi tàu du lịch Diamond Princess hôm 22-2, cùng ngày bộ trưởng y tế Nhật Bản lên tiếng xin lỗi sau khi 23 hành khách khác lên bờ mà không được kiểm tra đúng cách.

Hành khách từ tàu Diamond Princess được kiểm tra sau khi rời tàu. Ảnh: REUTERS

Tin tức xuất hiện giữa lúc một phụ nữ người Nhật rời tàu hôm 19-2 cho kết quả dương tính với virus sau khi trở về nhà ở tỉnh Tochigi, theo hãng tin Kyodo. Bà là người đầu tiên được xác nhận dương tính trong nhóm khoảng 970 hành khách lên bờ vào đầu tuần này.

COVID-19 không xuất phát từ chợ hải sản Vũ Hán

Đài NHK (Nhật Bản) hôm 22-2 dẫn nghiên cứu mới đây của một số nhà khoa học Trung Quốc đã phủ nhận địa điểm bùng phát của virus COVID-19 là chợ hải sản Hoa Nam ở TP Vũ Hán như thông tin ban đầu.

Thay vào đó, virus này nhiều khả năng đã được đưa đến hoặc lây lan từ một nơi khác rồi dần dần di chuyển tới chợ Hoa Nam. 

Được biết phát hiện này dựa trên phân tích dữ liệu toàn bộ hệ gen, nguồn lây nhiễm và đường lây lan của 93 mẫu virus COVID-19 thu thập từ 12 quốc gia khác nhau.

Nhân viên y tế đang khử trùng tại một khu chợ. Ảnh: REUTERS

Nhóm nghiên cứu khẳng định bệnh nhân số 0 (bệnh nhân đầu tiên mang mầm bệnh) từ một nơi chưa xác định đã truyền virus cho người bán tại chợ hải sản Hoa Nam.

Điều kiện thiếu vệ sinh và tập trung nhiều người của khu chợ đông đúc đã khiến việc lây truyền virus từ người sang người dễ dàng hơn, để cuối cùng dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12-2019. 

Cũng theo nghiên cứu trên, COVID-19 có thể đã trải qua hai lần phát tán đột ngột, lần gần nhất là vào ngày 6-1-2020 giữa kỳ nghỉ tết Nguyên đán của Trung Quốc.

Lần trước đó xảy ra vào ngày 8-12-2019. Điều này cho thấy việc lây lan từ người sang người có thể đã bắt đầu vào đầu tháng 12 hoặc cuối tháng 11, sau đó tăng tốc khi đến chợ hải sản Hoa Nam.

Chống COVID-19 hai tháng, Trung Quốc 'bốc hơi' 185 tỉ USD

Phát biểu hôm 22-2, cựu phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo dịch viêm đường hô hấp do virus COVID-19 đã khiến Trung Quốc thiệt hại gần 185 tỉ USD chỉ trong hai tháng qua, theo hãng tin South China Morning Post.

Cụ thể, ngành du lịch nước này bị đánh bay 128 tỉ USD, trong khi sức mua tiêu dùng giảm gần 57 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết mức thiệt hại này chiếm khoảng 3,3% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2019.

Được biết các ngành tiêu dùng chiếm gần 60% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019. Tuy nhiên, với việc nước này đang trải qua đợt dịch COVID-19, hoạt động tiêu dùng đã giảm sút nghiêm trọng do nhiều trung tâm thương mại, giải trí đóng cửa. 

Trên thực tế, thiệt hại này đã phần nào được giảm nhẹ nhờ các hoạt động kinh tế phụ trợ khác như giáo dục và giải trí trực tuyến.

Ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng mạnh, thêm 2 ca tử vong
Ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng mạnh, thêm 2 ca tử vong
(PLO)- Tính đến sáng 23-2, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã là 556 với bốn ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm