Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 18 giờ 15 ngày 18-2, trên thế giới ghi nhận 1.873 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) và 73.424 ca nhiễm. Có tổng cộng 12.677 ca được chữa khỏi.
Bảng thống kê tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới của SCMP tính đến 18 giờ 15 phút ngày 18-2.
Riêng tại Trung Quốc có 1.868 ca tử vong và 72.436 ca nhiễm virus COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục dừng lại ở năm ca (một ca ở Philippines, một ca ở đặc khu Hong Kong, một ca ở Pháp, một ca ở Nhật Bản và một ca ở Đài Loan).
Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm virus COVID-19, trong đó bảy ca đã xuất viện.
WHO: Dùng huyết tương điều trị virus COVID-19 có hiệu quả
Theo hãng tin Reuters, các bác sĩ tại Thượng Hải, Trung Quốc đang sử dụng dịch truyền huyết tương của những người khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đã ghi nhận các kết quả sơ bộ đáng khích lệ.
Theo báo cáo của giới chức y tế, việc sử dụng huyết tương của những người khỏi bệnh COVID-19 đã cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch ở TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và cũng là tâm điểm của dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng trong huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus COVID-19, do đó khi truyền dịch huyết tương của những người này vào cơ thể người bệnh khác, các kháng thể trên có thể giúp bệnh nhân thêm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân chết vì nhiễm virus COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 16-2. Ảnh: AP
GS Lu Hongzhou, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng y tế cộng đồng Thượng Hải, cho biết trung tâm này đã thiết lập một khu vực chuyên biệt để tiến hành phương pháp truyền dịch huyết tương, đồng thời sàng lọc huyết tương từ những bệnh nhân sẵn sàng hiến tặng.
Những người tình nguyện hiến tặng huyết tương sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra xem họ có mắc các bệnh khác như viêm gan B hay C hay không. GS Lu Hongzhou khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu tích cực rằng phương pháp này có thể giúp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân".
Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, nhưng đồng thời nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
Phát biểu với báo giới ở trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), TS Mike Ryan - người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho biết huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu.
Ông Ryan cho biết: "Đó là một lĩnh vực rất quan trọng để theo đuổi nghiên cứu. Bởi vì những gì huyết thanh globulin siêu miễn dịch có thể làm là tập trung các kháng thể ở một bệnh nhân đã hồi phục. Về cơ bản, bạn đang tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân mới để hy vọng họ vượt qua giai đoạn nguy kịch".
Theo ông Ryan, việc truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19 để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đang được thử nghiệm ở Trung Quốc là cách làm hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra phương thuốc chống siêu vi cụ thể hay vaccine để phòng ngừa sự lây lan của virus COVID-19. Quá trình phát triển và thử nghiệm thuốc có thể mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm.
Cùng với sử dụng liệu pháp truyền dịch huyết tương, các bác sĩ Trung Quốc đang thử nghiệm hai loại thuốc kháng virus được cấp phép sử dụng trong các bệnh nhiễm trùng khác, để đánh giá tác động của các dược phẩm này đối với COVID-19. Kết quả sơ bộ của các thử nghiệm này dự kiến được công bố trong vài tuần tới.
Trung Quốc sáng chế bộ xét nghiệm phát hiện virus COVID-19 trong 15 phút
Theo Tân Hoa Xã ngày 17-2, ĐH Nankai của Trung Quốc tuyên bố đạt được bướt đột phá khi phát triển một bộ xét nghiệm có khả năng phát hiện bệnh nhanh virus COVID-19 chỉ trong 15 phút. Sản phẩm này có tên gọi là bộ dụng cụ phát hiện kháng thể IgM/IgG virus Corona chủng mới.
Bộ xét nghiệm trên là sản phẩm của ĐH Nankai có tuổi thọ 100 năm tại TP Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc phối hợp cùng một nhóm chuyên gia từ các trường ĐH và các công ty dược phẩm sinh học của Trung Quốc.
Nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài sòng bạc Grand Lisboa đã đóng cửa do dịch COVID-19 ở Macau. Ảnh: REUTERS
Theo thông báo của ĐH Nankai, bộ dụng cụ xét nghiệm mới có thể rút ngắn thời gian xét nghiệm, hoạt động nhanh hơn và dễ dàng hơn, đồng thời có thể chẩn đoán nhanh những người nghi nhiễm bệnh và sàng lọc tại chỗ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. ĐH Nankai cho biết bộ dụng cụ mới dự kiến sẽ sớm được đưa vào sử dụng để góp phần ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Tuần trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đẩy mạnh các dự án nghiên cứu về bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh đối với virus COVID-19. Bộ này cho rằng việc phát hiện virus COVID-19 thông qua xét nghiệm axít nucleic không những tốn thời gian mà còn đòi hỏi quy trình phức tạp. Điều này không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc làm xét nghiệm nhanh đối với những người nghi nhiễm hoặc những trường hợp vẫn đang ủ bệnh và chưa thể hiện triệu chứng.
Doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại
Gần 20.000 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng như các công ty con của họ đã hoạt động trở lại, theo Ủy ban Giám sát và quản lý tài nhà nước Trung Quốc (ASA) vốn báo cáo trực tiếp với Quốc vụ viện Trung Quốc.
Theo ASA, 80% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, số còn lại không thể khôi phục hoạt động do dịch COVID-19. Tỉ lệ khôi phục hoạt động cao hơn – hơn 95% đối với một số ngành công nghiệp như xăng dầu, viễn thông và vận tải.
Ngành du lịch tiếp tục cảm nhận ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ ngày 20-1 đến 13-2, ba hãng hàng không đã hoàn trả 13 triệu vé và hủy 78.000 chuyến bay. Hệ số phụ tải và tỉ lệ sử dụng máy bay mỗi ngày giảm gần một nửa.
Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc đã đóng cửa 30 địa điểm du lịch, 19 khách sạn và 113 cửa hàng bán lẻ du lịch. Tất cả dịch vụ phà bị đình chỉ.
ASA đã đưa ra mức cứu trợ tài chính như cho vay lãi suất thấp và giảm tiền cho thuê để hỗ trợ những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề do dịch bệnh.
“Những chính sách này được áp dụng như nhau đối với tất cả doanh nghiệp. Không có sự đối xử đặc biệt nào dành cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước”, ông Xia Qingfeng, phát ngôn viên của ASA nói.