Trung Quốc áp đặt hạn chế 4 cơ quan truyền thông Mỹ

Nhằm đáp trả việc Mỹ áp đặt hạn chế lên các cơ quan thông tấn Trung Quốc hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao nước này quyết định làm điều tương tự với bốn cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc.

Hãng tin Sputnik ngày 1-7 cho biết, bốn cơ quan truyền thông Mỹ bị Trung Quốc áp đặt hạn chế bao gồm kênh truyền hình CBS, Đài phát thanh quốc gia NPR và hai hãng tin AP, UPI.

Trước đó, vào ngày 22-6, Mỹ đã tuyên bố đưa bốn cơ quan thông tấn Trung Quốc, bao gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), hãng thông tấn Tân Văn và hai tờ Nhân Dân Nhật báo  Thời báo Hoàn cầu vào diện "cơ quan ngoại giao nước ngoài". 

Cả bốn cơ quan truyền thông Trung Quốc buộc phải đăng ký, gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ khi có thay đổi nhân sự, hoặc mua/thuê văn phòng làm việc ở Mỹ - tương tự quy định áp dụng với các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao khác.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc quyết định trả đũa và áp đặt hạn chế lên bốn cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK

Để đâp trả, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1-7 cho biết sẽ yêu cầu bốn cơ quan thông tấn của Mỹ phải tuân thủ và làm theo những yêu cầu tương tự như vậy khi họ hoạt động tại Trung Quốc.

“Tôi tin rằng các biện pháp nêu trên là hoàn toàn cần thiết và buộc phải thực hiện để đáp trả sự áp bức vô lý mà các cơ quan truyền thông Trung Quốc phải chịu đựng tại Mỹ. Đây là một hành động tự vệ vô cùng chính đáng” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc  Triệu Lập Kiên chia sẻ. 

“Những gì Mỹ làm đã tổn hại đến uy tín và hình ảnh của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của họ ở Mỹ và làm gián đoạn sự giao lưu văn hóa giữa người dân hai nước. Hành động ấy đã vạch trần sự giả tạo trong việc ủng hộ tự do báo chí của chính quyền Mỹ” - ông Triệu nói.

“Trung Quốc đề nghị Mỹ thay đổi các lệnh hạn chế của mình, bồi thường thiệt hại và chấm dứt hành động áp bức chính trị đối với các cơ quan truyền thông Trung Quốc ngay lập tức” - Sputnik dẫn lời ông Triệu cho biết thêm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đề nghị Mỹ chấm dứt hành động áp bức chính trị đối với các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Ảnh: THE GLOBE AND MAIL

Mỹ và Trung Quốc đã đụng độ nhau nhiều lần trong những tháng gần đây về quá trình hoạt động của các nhà báo mỗi nước.

Mỹ đã đưa năm hãng truyền thông khác của Trung Quốc vào diện hạn chế vào tháng 2-2020 với cáo buộc họ là những công cụ để Trung Quốc phát tán thông tin có lợi cho Bắc Kinh và gây hại cho Mỹ. 

Năm hãng truyền thông này gồm: Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily Hai Tian Development USA (chuyên phát hành, phân phối tờ Nhân dân Nhật báo tại Mỹ).  

Đáp trả lại, Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ The New York Times, The Wall Street Journal The Washington Post nộp lại thẻ tác nghiệp trong hai tuần. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không được phép tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc yêu cầu các chi nhánh của đài Voice of America, các báo The New York Times, The Wall Street JournalThe Washington Post kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.

Vào tháng 3-2020, Washington cho biết đã cắt giảm số lượng nhà báo được phép làm việc tại các văn phòng của các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc ở Mỹ xuống từ 160 còn 100.

Trung Quốc sau đó cũng thông báo áp đặt các biện pháp đáp trả tương tự việc Mỹ hạn chế nhà báo Trung Quốc đưa tin liên quan đến các vấn đề như cấp thị thực (visa).

Theo Sputnik, việc áp đặt hạn chế lên các cơ quan truyền thông và nhà báo Trung Quốc là động thái mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát ảnh hưởng của quốc gia châu Á này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm