Trung Quốc đề nghị Nhật nói không với tên lửa Mỹ

Trung Quốc kêu gọi Nhật duy trì chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ của mình và từ chối đề nghị của Washington về việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở quốc đảo này, báo South China Morning Post đưa tin.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 24-6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiến hành "mọi biện pháp trả đũa cần thiết" nếu Mỹ tìm cách triển khai tên lửa mới đến khu vực.

"Trung Quốc hy vọng Nhật và các quốc gia khác xem xét sự ổn định và hòa bình trong khu vực, hành động thận trọng và nói 'không' với ý định của Mỹ muốn triển khai tên lửa tầm trung ở lãnh thổ các nước này" - ông Ngô nói tiếp. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm trong buổi họp báo ngày 24-6. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng nếu chấp nhận lắp đặt tên lửa Mỹ trên lãnh thổ của mình, các nước sẽ trở thành "nạn nhân trong mưu đồ địa chính trị của Mỹ ở khu vực".

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Tokyo duy trì chính sách quốc phòng "chỉ vì mục đích phòng vệ", đúng theo nội dung Hiến pháp Nhật.

Ông Triệu nhắc nhở Nhật "nghiêm túc" nhận thức về "các bài học trong lịch sử" và "tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hòa bình bằng những hành động cụ thể".

Các đại diện của Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố cứng rắn để phản ứng lại một số báo cáo về việc Mỹ đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung đến châu Á.

Tháng 8 tới, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng nghĩa việc Washington không còn bị ràng buộc về "sở hữu, sản xuất và thử nghiệm" tên lửa hành trình có tầm bắn 500-5.500 km.

Các loại tên lửa này có thời gian hành trình ngắn và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Do đó, nếu được triển khai ở châu Á, tên lửa tầm trung của Mỹ sẽ gây ra nguy cơ cao cho Trung Quốc. 

Tiến sĩ Liêm Đức Khôi, chuyên gia nghiên cứu Nhật tại Đại học Quốc tế học Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng việc triển khai tên lửa tầm trung đến châu Á là dấu hiệu cho thấy Washington đang "chuẩn bị đối đầu quân sự" với Bắc Kinh.

Trong khi đó, "quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật sẽ sụp đổ nếu các tên lửa này được triển khai trên lãnh thổ Nhật" - ông Liêm nhận định.

Năm 2017, sự rạn nứt tương tự đã xảy ra với quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc, khi Seoul đồng ý triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, trong khi người dân Trung Quốc tẩy chay, hủy bỏ các chuyến du lịch đến Hàn Quốc, nhưng vẫn không ngăn được việc Mỹ đưa THAAD lên bán đảo Triều Tiên. 

Xa vời chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình
Xa vời chuyến thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình
(PLO)- Việc Nhật Bản gần đây thay đổi quan điểm về vấn đề Hong Kong và suy nghĩ tiêu cực của công chúng đối với Trung Quốc đồng nghĩa với việc chuyến thăm Tokyo của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không diễn ra như dự định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm