Theo báo South China Morning Post, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tổng cộng 20 cuộc tập trận trong thời gian 34 ngày, bắt đầu từ hôm 16-1.
Trong một thông báo, PLAN cho biết nhiều tàu chiến mới của Trung Quốc gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hefei, tàu hộ tống tên lửa Yuncheng, tàu đổ bộ Changbaishan và tàu tiếp liệu Honghu đã tham gia đợt tập trận.
Các nội dung tập trận bao gồm đánh trả các tàu tấn công, cứu hộ bằng không quân và diễn tập bắn đạn thật.
Một nguồn tin thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiết lộ Lực lượng Tên lửa cũng cử một nhóm binh sĩ liên lạc tham gia khoa mục phòng thủ tên lửa trong đợt tập trận. Theo nguồn tin này, Lực lượng Tên lửa "muốn triển khai thường trực tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa diệt hạm YJ trên đảo Phú Lâm".
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hefei của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong một cuộc diễn tập. Ảnh: SCMP
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. PLA từng ngang nhiên triển khai tên lửa HQ-9 và các tiêm kích, oanh tạc cơ đến đảo này trong thời gian ngắn.
Binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở Biển Đông cũng tham gia đợt tập trận này.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Để phản ứng, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Việt Nam trước nay luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh những nỗ lực đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.