Trước Hạ viện Mỹ, ông Blinken ngầm chỉ trích ông Trump việc rút khỏi Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có phiên điều trần căng thẳng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ liên quan việc Mỹ rút quân khởi Afghanistan, hãng tin Reuters cho hay.

Trong phiên điều trần kéo dài khoảng 5 giờ, ông Blinken một lần nữa bảo vệ quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan kế hoạch rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Ông Blinken lưu ý rằng thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban là di sản của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, còn đội ngũ của Tổng thống kế nhiệm Joe Biden không thể đàm phán lại do những lời đe dọa từ Taliban về việc sẽ có thêm người Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong phiên điều trần trực tuyến hôm 13-9 trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ảnh: CNN

Ông Blinken nhấn mạnh rằng điều chính quyền ông Trump để lại cho ông Biden là một hạn chót, không phải một kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Biden đã dời hạn chót đó lại, bất chấp sự phản đối của Taliban.

Đồng thời, “không có bằng chứng nào cho thấy việc (quân Mỹ) ở lại lâu hơn sẽ khiến lực lượng an ninh Afghanistan hoặc chính phủ Afghanistan trở nên kiên cường hơn hoặc tự lực hơn” - ông Blinken nói tiếp.

Về nỗi lo Trung Quốc, quyền của phụ nữ và cứu trợ Afghanistan

Ông Michael McCaul, thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ không duy trì căn cứ không quân Bagram (Afghanistan) - cơ sở được cho là có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với Washington, hay không xây dựng thỏa thuận chống khủng bố với các nước chung biên giới với Afghanistan. Ông McCaul lo ngại rằng sau khi Mỹ rút đi, Trung Quốc sẽ nhảy vào và tìm kiếm quyền sử dụng căn cứ Bagram.

Về vấn đề này, ông Blinken một lần nữa nhấn mạnh rằng chính quyền ông Biden đã tích cực làm việc để xác định các mối đe dọa đối với Mỹ.

Cũng trong phiên điều trần, ít nhất hai nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Blinken từ chức. Tuy nhiên, kịch bản này dường như sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Các nhà lập pháp Dân chủ có vẻ ít gay gắt hơn, song vẫn nhắc tới một vấn đề nóng là hỗ trợ những người Mỹ và đồng minh còn mắc kẹt tại Afghanistan, cũng như cách Mỹ sẽ hành động để bảo vệ quyền của phụ nữ và cứu trợ nhân đạo cho đất nước Nam Á này.

Ông Blinken nhấn mạnh rằng ông chưa đối thoại với các tướng lĩnh Taliban và việc Mỹ hay cộng đồng quốc tế có công nhận quyền lãnh đạo của Taliban tại Afghanistan hay không phụ thuộc vào cách hành xử của lực lượng này.

Ông Blinken cho biết cứu trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan sẽ được duy trì nhưng sẽ không thông qua chính quyền Taliban. Đồng thời, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được chỉ định để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số tại Afghanistan.

Trong ngày 14-9, ông Blinken sẽ tiếp tục có phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm