Trong một bài bình luận phát ngày 31-8, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (TQ) CCTV lên tiếng rằng việc Mỹ định dùng biểu tình Hong Kong như một quân bài đàm phán sẽ thất bại. Sở dĩ CCTV nói thế vì ngày trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump nói TQ kiềm chế với biểu tình ở Hong Kong là vì không muốn hủy hoại đàm phán thương mại.
CCTV cho rằng ông Trump tự mâu thuẫn với mình khi trước đó nói Hong Kong là một phần của TQ và biểu tình là chuyện nội bộ của TQ.
“Khi đàm phán thương mại giữa TQ và Mỹ suôn sẻ, Mỹ nói họ sẽ không can thiệp chuyện nội bộ TQ. Nhưng Mỹ lại liên kết chuyện Hong Kong với đàm phán thương mại Trung-Mỹ khi nó căng thẳng” - CCTV bình luận.
“Các kiểu bất định và mâu thuẫn này đơn giản cho chúng ta thấy (ông Trump) không thật sự quan tâm Hong Kong đang hỗn loạn hay tốt đẹp. Ông ấy chỉ dùng Hong Kong như một quân bài đàm phán nhằm tạo áp lực lên TQ trong đàm phán thương mại” - theo CCTV.
CCTV cũng nhắc nhở Mỹ không nên chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói “nếu không có đàm phán thương mại, Hong Kong sẽ gặp rắc rối lớn hơn”. Ảnh: REUTERS
Ngày 30-8, ông Trump cho rằng áp lực thương mại từ phía Mỹ đã buộc TQ phải kiềm chế hơn với Hong Kong.
“Nếu không vì đàm phán thương mại, Hong Kong sẽ gặp rắc rối lớn hơn. Tôi nghĩ nó sẽ bạo lực hơn nhiều” - ông Trump nói với báo chí tại Nhà Trắng ngày 30-8.
“Tôi thật sự nghĩ TQ muốn có một thỏa thuận và họ biết họ đặt chúng tôi vào tình huống rất xấu nếu không xử lý vấn đề theo cách nhân đạo… Tôi tin rằng vì những gì tôi làm với thương mại mà họ căng thẳng ở Hong Kong được kiềm xuống rất nhiều” - ông Trump nói.
Đây không phải lần đầu ông Trump liên kết chuyện biểu tình Hong Kong với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đầu tháng 8 ông Trump từng cảnh báo đàm phán thương mại với TQ sẽ bị cản trở nếu TQ sử dụng bạo lực với người biểu tình.
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình Hong Kong ngày 31-8. Ảnh: SCMP
Nhận định về thái độ của ông Trump, ông David Ko Chin, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Basis Point Consulting chuyên về các thị trường đầu tư và tài chính ở Úc và châu Á, cho rằng biểu tình Hong Kong đã được Mỹ sử dụng tăng áp lực lên TQ nhằm tìm ưu thế trong đàm phán thương mại.
Theo ông Chin, ông Trump đã từng dùng chiến thuật tương tự trong nhiều cuộc đàm phán thương mại khác trong hai năm qua, trong đó có với Nhật và châu Âu.
Ngày 30-8 ông Trump cũng xác nhận đợt đánh thuế mới của Mỹ lên hàng TQ nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9. Theo đó, mức thuế quan 10% áp trên 300 tỉ USD hàng TQ sẽ bị tăng lên 15%. TQ tuần trước thông báo một đợt đánh thuế mới lên hàng Mỹ nhập khẩu, cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9.
Diễn biến đánh thuế quan mới nhất này giữa hai nước cho thấy cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới chưa có dấu hiệu kết thúc. Các nhà đàm phán thương mại hai nước khả năng sẽ lại gặp nhau tại Mỹ trong tháng 9 này.