Súng đã nổ trong cuộc biểu tình ở Hong Kong vào tối 25-8, sau 12 tuần biểu tình liên tục xuất phát từ việc phản đối một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang xét xử tại các nơi Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Khi tiếng nổ phát ra từ súng một cảnh sát tại một đại lộ lớn lúc 8 giờ tối 25-8, theo báo South China Morning Post (SCMP), ban đầu nhiều người không nhận ra đó là tiếng nổ phát ra từ một khẩu súng lục, vì tiếng nổ cũng tương tự tiếng bắn lựu đạn cay hay đạn cao su.
Nhưng sau đó thì mọi người nhận ra.
“Chạy! Đã có một phát súng thật” - người biểu tình la lớn cùng kéo nhau chạy.
Cảnh sát và người biểu tình Hong Kong xung đột trong đêm bạo lực 25-8. Ảnh: REUTERS
Phát súng duy nhất trong đêm 25-8 hướng lên bầu trời. Đây là phát súng cảnh cáo với đám đông người biểu tình có vũ khí đang tấn công một nhóm nhỏ cảnh sát, trong một đêm biểu tình đầy bạo lực.
Xung đột nguy hiểm
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy nhiều người biểu tình mặc trang phục đen rượt đuổi tấn công cảnh sát. Một cảnh sát trượt té xuống mặt đường ướt và có vẻ đã làm rơi súng. Tiếng súng vang lên chỉ vài giây sau đó, trong lúc các cảnh sát bỏ chạy.
Sau khi súng nổ, gần như ngay lập tức năm cảnh sát rút súng ra và nhắm vào người biểu tình, người dân hai bên đường và cả vào các phóng viên.
Cảnh sát chĩa súng vào người biểu tình. Ảnh: SCMP
Một người đàn ông trung niên đứng ra giang tay thậm chí quỳ xuống xin cảnh sát đừng nhả đạn và người này bị một cảnh sát dùng chân đẩy ngã.
Ít nhất hai cảnh sát chĩa súng vào các nhà báo trên vệ đường, dù phía sau nhà báo không có người biểu tình nào. Khi các cảnh sát bắt đầu rút đi, hàng chục nhà báo giận dữ đuổi theo và la lớn: “Tại sao lại chĩa súng vào nhà báo?”.
Sau đó, có thêm một nhóm cảnh sát chống bạo động nữa được tăng cường nhằm ổn định tình hình. Năm cảnh sát bị thương được xe cấp cứu chở đi, chấm dứt khoảng 30 phút xung đột căng thẳng và nguy hiểm nhất trong suốt đợt biểu tình kéo dài 12 tuần liên tục.
Bạo lực biểu tình ngày 25-8 leo thang mạnh sau 5 giờ 30 chiều, khi người biểu tình bắt đầu tấn công cảnh sát. Không chỉ tấn công cảnh sát, đêm 25-8, nhiều người biểu tình cũng phá hoại nhiều nhà nghỉ và nhà hàng, chủ yếu thuộc sở hữu của những người từ Trung Quốc đại lục sang làm ăn.
Người biểu tình đập phá một cửa hàng do người Trung Quốc đại lục mở ở Hong Kong, tối 25-8. Ảnh: AP
Cảnh sát đã dùng đến lựu đạn cay, đạn cao su và lựu đạn bọt biển để đối phó. Trong đêm 25-8, đã có ít nhất 70 hộp lựu đạn cay, 24 viên đạn cao su và 31 quả lựu đạn bọt biển được bắn ra đối phó biểu tình.
Tầm 7 giờ tối, lần đầu tiên cảnh sát Hong Kong triển khai hai xe vòi rồng đối phó và đã thành công giải tán biểu tình.
Cảnh sát và người biểu tình nói gì?
Ngày 26-8, phía cảnh sát lên tiếng bảo vệ quyết định nổ phát súng cảnh sát rằng họ không còn lựa chọn nào khác khi mạng sống bị đe dọa vì bị người biểu tình tấn công bằng nhiều loại vũ khí nguy hiểm như gạch, gậy kim loại và bom xăng.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 26-8, nhiều đại diện biểu tình nói chính phía cảnh sát leo thang bạo lực trước, bằng chứng triển khai hai xe vòi rồng đối phó họ. Người biểu tình cho rằng bom xăng chỉ là để tạo ra một lằn ranh phòng thủ, ngăn cảnh sát bắt họ.
Chiều 26-8, khoảng vài chục cảnh sát được triển khai tại khu vực đã xảy ra xung đột tối hôm trước để tìm viên đạn đã được bắn ra nhưng không tìm thấy.
Chiều 26-8, cảnh sát được triển khai tìm viên đạn đã được bắn ra tối 25-8, nhưng không tìm thấy. Ảnh: REUTERS
Người dân không tham gia biểu tình thì có hai luồng ý kiến về sự cố bạo lực tối 25-8.
Theo bà Doris Wong 55 tuổi, những người gây ra bạo lực chỉ là số ít trong số đông người biểu tình.
“Tôi nghĩ hầu hết người biểu tình là hòa bình” - bà Wong nói.
Về phía cảnh sát, bà Wong cũng cho rằng họ nổ súng cảnh cáo chỉ vì họ bị tấn công.
Sinh viên Calvin Wong 23 tuổi kêu gọi lãnh đạo TP mau chóng giải quyết tình hình bằng các biện pháp chính trị.
“Chính quyền nên tích cực tình giải pháp hơn là chỉ lên án người biểu tình” - sinh viên Wong nói.