Sáng nay, 26-8, một người phát ngôn chính quyền Hong Kong cực lực lên án sự leo thang bạo lực của người biểu tình trong 2 ngày biểu tình cuối tuần qua, báo SCMP cho biết. Theo người phát ngôn này, tình hình bạo lực này sẽ đẩy Hong Kong đến bờ vực nguy hiểm. Người này cảnh cáo cảnh sát sẽ nghiêm túc hành động đối phó.
Hong Kong vừa trải qua một cuối tuần rực lửa với 2 ngày biểu tình bạo lực liên tục.
Ngày 25-8, cuộc biểu tình ban đầu diễn ra hòa bình nhưng đến chiều tối lại chuyển sang bạo lực. Người biểu tình mang trang phục bảo hộ, phóng hỏa trên đường phố và tấn công cảnh sát.
Theo SCMP, ít nhất có một phát súng cảnh cáo đã được phía cảnh sát bắn ra sau khi 3 cảnh sát bị một nhóm người biểu tình cầm vũ khí rượt đuổi và đánh.
Cảnh sát chĩa súng vào người biểu tình ở Hong Kong ngày 25-8. Ảnh: REUTERS
Cụ thể, vì bị rượt đuổi, 3 cảnh sát này đã rút súng lục ra, và 1 người đã bắn ít nhất 1 phát súng cảnh cáo lên trời. Sự việc xảy ra lúc 8 giờ tối (giờ địa phương). Không ai bị thương. Đây là lần đầu tiên súng được cảnh sát bóp cò kể từ khi đợt biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu 12 tuần trước.
Ông Leung Kwok-wing – một lãnh đạo an ninh Hong Kong xác nhận việc này và cho biết phát súng cảnh cáo được bắn đi vì mạng sống cảnh sát bị đe dọa. Đã có 5 cảnh sát bị thương phải nhập viện trong ngày 25-8.
Cảnh sát chĩa súng vào người biểu tình, ngày 25-8. Ảnh: SCMP
Vòi rồng cũng lần đầu tiên được cảnh sát triển khai đối phó cuộc biểu tình bạo lực hôm qua. Hệ thống vòi rồng này được chính quyền Hong Kong mua từ Pháp tháng 5-2018. Hai xe vòi rồng Mercedes-Benz được cảnh sát huy động nhằm giải tán người biểu tình tấn công cảnh sát.
Người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát ngày 25-8. Ảnh: SCMP
Đây là lần đầu tiên cảnh sát dùng tới biện pháp vòi rồng, và theo SCMP, lực lượng cảnh sát đã sử dụng thận trọng. Các xe vòi rồng có thể bắn hơn 1.200 lít nước mỗi phút ở tầm xa 50m. Nước có thể được trộn lẫn với hơi cay hay dung dịch thuốc nhuộm để giúp cảnh sát nhận diện người biểu tình có hành động bạo lực. Tuy nhiên cảnh sát không sử dụng đến dung dịch thuốc nhuộm ngày 25-8.
Vòi rồng được triển khai đối phó ngày biểu tình hỗn loạn 24-8. Ảnh: SCMP
Xe bọc thép cũng được triển khai nhằm ngăn chặn người biểu tình tràn ra các tuyến phố.
Tới khuya, vẫn còn một số người biểu tình vẫn tiếp tục xung đột với cảnh sát. Ít nhất 8 người biểu tình bị thương trong ngày 25-8.
Cuộc biểu tình ngày 25-8 ở Hong Kong đã chuyển biến bạo lực nghiêm trọng. Ảnh: SCMP
Trong cuộc biểu tình ngày 24-8, hơi cay đã lần đầu tiên được cảnh sát sử dụng đối phó khi hai bên xung đột nhau ở nhiều tuyến phố.
Bạo lực kéo dài từ đầu giờ chiều 24-8 cho đến tận nửa đêm. Người biểu tình ném gạch đá, bom xăng, chất lỏng ăn mòn, chai nước … vào cảnh sát. Cảnh sát phải dùng đến hơi cay, lựu đạn bọt biển đối phó biểu tình.
Đội cảnh sát đặc biệt (Raptors) được triển khai. Nhiều người biểu tình bị các cảnh sát này vật ngã xuống đất và bắt giữ.
28 người biểu tình bị bắt giữ trong đó có một người tổ chức biểu tình. Ít nhất 10 người nhập viện, trong đó có 2 nam giới nguy kịch.
Một quả bom xăng được ném về phía cảnh sát, ngày 24-8. Ảnh: SCMP
Cuối tuần rồi, nhiều người thân cảnh sát cũng xuống đường kêu gọi cảnh sát kiềm chế với người biểu tình, đồng thời đề nghị điều tra độc lập việc cảnh sát có hành động bạo lực với người biểu tình.
Nhóm người thân cảnh sát tuần hành đến văn phòng Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga để gửi một bức thư kiến nghị, tuy nhiên không có người nhận. Sau đó nhóm người này kéo đến trụ sở chính của cảnh sát để gửi tiếp một bức thư khác.
Nhiều chính trị gia và lãnh đạo địa phương đề nghị bà Lâm mở một cuộc điều tra công về cáo buộc cảnh sát sử dụng bạo lực nhằm tạo điều kiện xúc tiến đối thoại với người biểu tình. Không bác bỏ ý kiến này song bà Lâm nói giờ chưa phải lúc làm việc này, mà việc cần kíp lúc này là đưa Hong Kong quay lại hòa bình và trật tự bình thường.
Hàng trăm người tham gia tuần hành yêu cầu chính quyền Hong Kong điều tra độc lập việc sử dụng bạo lực của cảnh sát. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, theo SCMP, chính phủ trung ương đã tập trung các chuyên gia hàng đầu về vấn đề Hong Kong tại TP Thâm Quyến (sát Hong Kong) bàn giải pháp giải quyết khủng hoảng biểu tình Hong Kong. Theo tin SCMP thu thập được thì hội thảo thống nhất Hong Kong phải tự chấm dứt bạo lực hoặc Trung Quốc sẽ can thiệp.
“Đơn vị đồn trú quân đội giải phóng nhân dân ở Hong Kong không phải là bù nhìn. Họ là một bộ phận chủ chốt đảm bảo nguyên tắc “một đất nước, hai hệ thống” được thực hiện ở Hong Kong” – SCMP dẫn lời một chính trị gia Hong Kong thân Trung Quốc tên Maria Tam Wai-chu.