"Nếu tôi là thủ tướng lúc này, liệu tôi có ủng hộ hành động quân sự chống Iran không? Vậy thì, câu trả lời là không", đài ABC dẫn lời ông Johnson nói trong một cuộc tranh luận về vai trò lãnh đạo với ông Jeremy Hunt hôm 15-7.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang từ khi Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, theo đó nước Cộng hòa Hồi giáo đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Cả Mỹ và Iran đều tuyên bố họ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh. Tổng thống Trump cho biết hành động quân sự vẫn là một lựa chọn trên bàn nhưng đã hủy một cuộc không kích theo kế hoạch để trả đũa việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng trước, thay vào đó ông quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran.
Tuy nhiên, việc ông Johnson bác bỏ khả năng tham gia bất kỳ hành động quân sự nào do Mỹ chủ xướng có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực của ông Trump nhằm gây áp lực buộc Iran kiềm chế tham vọng hạt nhân và chấm dứt cái mà Washington cho là các hoạt động gây bất ổn trong khu vực, theo hãng tin Bloomberg.
Ông Boris Johnson (trái) và ông Jeremy Hunt trong cuộc tranh luận ngày 15-7. Ảnh: BLOOMBERG
Về phần mình, ông Hunt, hiện là Ngoại trưởng Anh, cho biết ông không nghĩ Mỹ đang tìm cách gây chiến với Iran, hoặc Tehran đang tìm cách gây chiến với Washington, nhưng thừa nhận nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột ngoài dự định.
"Rủi ro mà chúng ta có là một cái gì đó khác biệt, là một cuộc chiến tình cờ, bởi sự cố thường xảy ra trong một tình huống rất căng thẳng và không ổn định", ông Hunt nói.
Trong khi đó, các ngoại trưởng EU lại đang ra sức cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 15-7, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran không coi việc nước này vượt ngưỡng làm giàu uranium theo quy định trong thỏa thuận là nghiêm trọng và chưa có ý định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận.
Theo đài Press TV, các ngoại trưởng EU ưu tiên sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.