Năm 2018, sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPoA), hiện chỉ có Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc và Iran là các bên còn lại của thỏa thuận.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 9-7 cũng cáo buộc Iran đã theo đuổi các hoạt động không phù hợp với thỏa thuận, trong đó có việc phá vỡ giới hạn làm giàu uranium mà nước này đã ký trong thỏa thuận.
“Các vấn đề tuân thủ này phải được giải quyết trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân và một Ủy ban hỗn hợp cần được triệu tập khẩn cấp", hãng tin Reuters dẫn lời các ngoại trưởng của Anh, Pháp và Đức, cùng một số nhà ngoại giao hàng đầu EU, nói trong một tuyên bố.
Theo đó, Ủy ban hỗn hợp được lập nên để giám sát việc thực hiện và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Iran.
Ủy ban này sẽ do bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về ngoại giao và an ninh EU, đứng đầu, theo Reuters.
Đại diện cấp cao về Ngoại gia EU, Federica Mogherini, sẽ đứng đầu Ủy ban hỗn hợp giám sát các vấn đề liên quan đến Iran. Ảnh: REUTERS
“Phía Iran đã tuyên bố rằng muốn ở lại trong thỏa thuận hạt nhân. Họ phải hành động bằng cách đảo ngược các quyết định làm giàu uranium và trở lại tuân thủ đầy đủ theo thỏa thuận mà không được trì hoãn”, các nước châu Âu cho biết.
Tương lai của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trở nên mong manh hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Iran tuyên bố họ muốn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận nhưng không thể tiếp tục vô thời hạn vì các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ đối với nước này.
Hiện EU cũng đang “đau đầu” với tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
EU cũng đang chịu sức ép từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump xung quanh vấn đề đóng góp cho các hoạt động quân sự chung.
Ngoài ra, EU cũng phải tìm cách cứu vãn thỏa thuận với Iran. Đối với EU, việc Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân thêm một năm sau việc Mỹ ra đi, chứng tỏ họ vẫn còn hy vọng rằng sẽ có một cách tiếp cận hòa bình với Iran hơn là cấm vận.