Chính quyền của Tổng thống Trump đang gia tăng điều tra vụ bê bối thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, khơi dậy một lần nữa vấn đề tranh cãi chính trị tồn tại hơn ba năm rưỡi qua, tờ The Washington Post đưa tin.
Những bức thư điện tử này được gửi đến hộp thư cá nhân và không được bảo mật của Clinton khi bà là lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Từ năm 2015, nước Mỹ đã thúc dục điều tra toàn diện vấn đề này và đây cũng là đề tài tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, cuối cùng, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã không tìm thấy vấn đề gì đối với các thư điện tử này.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: AP
Dù FBI đã bỏ qua vụ án nhưng ông Trump lại không làm như vậy. Ông đã từng dùng vấn đề này để tấn công bà Clinton trong chiến dịch tranh cử và nhắc đến nó như một vấn đề nóng trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Mới đây, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông đã gọi vụ việc là "một trong những trọng tội".
Hơn 130 quan chức và cựu quan chức Bộ Ngoại giao đã bị điều tra liên quan đến việc liên lạc qua hộp thư điện tử cá nhân của cựu Ngoại trưởng Clinton. Quá trình điều tra các quan chức này đã bị lãng quên vào 18 tháng trước nhưng gần đây đã được khôi phục. Không chỉ quan chức cấp cao bị ảnh hưởng, những nhân viên bình thường có liên quan cũng được liên lạc để điều tra.
Các quan chức này đã thông báo rằng họ có khả năng đã vi phạm quy định về an ninh như đã cam kết, bởi vì những thư điện tử họ gửi cho bà Clinton đến lúc đó vẫn bị xếp vào thông tin mật.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã phủ nhận nhận định việc tái khởi động vụ điều tra là vì động cơ chính trị, cho rằng đây đơn thuần chỉ là một thủ tục bình thường trong quá trình điều tra vốn đã được khởi động trước đó.
"Chuyện này không liên quan đến Nhà Trắng" - một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói với The Washington Post. "Bây giờ là thời gian để kiểm tra hàng triệu thư điện tử mà họ được gửi đi trong vòng ba năm rưỡi đó".
Tuy nhiên, các quan chức khác lại coi cuộc điều tra là một hành vi quấy rối có động cơ chính trị, đặc biệt khi hầu hết các quan chức liên quan cho rằng họ có thể phải chịu các tội danh về vấn đề mà đơn giản là chẳng có gì để buộc tội.
"Đây là sự lạm dụng quyền lực bẩn thỉu và lãng phí thời gian của rất nhiều người trong nhiều năm qua" - một cựu quan chức nói.
Hầu hết những thư điện tử bị điều tra đều được gửi đến hộp thư cá nhân của bà Clinton. Trong suốt thời gian giữ chức ngoại trưởng, bà Clinton đã làm việc qua hộp thư cá nhân, được đăng ký riêng cho bà và chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton từ năm 2001.
Do tính chất nhạy cảm tiềm tàng của các công việc liên quan đến Bộ Ngoại giao, vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích. Khi thông tin này được đưa ra ánh sáng, FBI đã mở một cuộc điều tra về việc liệu bà Clinton có vi phạm luật pháp liên bang hay không khi xử lý thông tin được phân loại sai cách.
Cuối cùng, FBI đã từ chối kiện bà Clinton, dù giám đốc FBI lúc đó là ông James Comey đã gọi việc làm của bà Clinton là "vô cùng bất cẩn".
Dù FBI đã ngưng điều tra, công chúng vẫn cảm thấy bức xúc, đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến bà Clinton thất bại trong cuộc bầu cử năm 2016. Đặc biệt, ông Trump không bỏ qua vụ việc này và trong suốt ba năm nay, ông vẫn không ngừng nhắc lại các cáo buộc này.
Tổng thống Trump đã liên tục đưa vấn đề bê bối thư điện tử của bà Clinton như một cách lôi kéo người cử tri ủng hộ mình. Một nguồn thạo tin cho biết quá trình điều tra của Bộ Ngoại giao là "một cách để giữ cho bê bối thư điện tử của bà Clinton không bị bỏ qua".
Thật vậy, mới đây, ông Trump đã tiếp tục nêu ra vấn đề này trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong suốt cuộc họp báo với người Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, trả lời phỏng vấn của phóng viên liệu Ukraine có đang lưu giữ những tin nhắn của Clinton, ông Trump đã trả lời là "có thể".
Vị tổng thống Mỹ cũng nói nhiều về những gì ông coi là tham nhũng trong đảng Dân chủ và những hành vi sai trái của bà Clinton.
"Nói một cách thẳng thắn, tôi nghĩ rằng một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất là việc Hillary Clinton đã xóa 33.000 thư điện tử sau khi nhận được yêu cầu trình diện từ Quốc hội" - ông Trump nói.
Tuy nhiên, hãng tin NBC cho biết những bức thư đó đã được xóa bốn tháng trước khi Quốc hội gửi yêu cầu trình diện khi bà Clinton xác định chúng là vấn đề riêng tư của mình. Tuy nhiên, nhân viên máy chủ đã không tuân theo hướng dẫn trước đó, nên việc xóa thư được thực hiện sau khi Quốc hội đưa ra quyết định triệu tập bà Clinton.
Mới đây, chính Tổng thống Trump cũng bị vướng vào một vụ bê bối lạm dụng quyền lực khi yêu cầu Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Những động thái này cho thấy khả năng chính trường Mỹ sẽ tiếp tục dậy sóng, nhất là trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chỉ mới bắt đầu.