Ngày 5-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vận động các nước thành viên đóng góp 650 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước nghèo ngăn chặn và giải quyết dịch Corona, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Trong cuộc họp báo ngày 5-2 tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia thành viên của WHO đóng góp tiền cho Kế hoạch khẩn cấp nhằm đánh bại, ngăn ngừa dịch Corona tại các nước kém phát triển.
“675 triệu USD là khoản tiền rất lớn nhưng nó sẽ ít hơn nhiều so với cái giá mà chúng ta sẽ phải trả nếu không đầu tư cho một sự chuẩn bị đầy đủ. Đầu tư hôm nay hay là sẽ trả giá đắt sau này?” - ông Tedros kêu gọi.
650 triệu USD cho Kế hoạch khẩn cấp đánh bại dịch Corona
South China Morning Post cho biết kế hoạch khẩn cấp đề cập các biện pháp hạn chế lây truyền virus từ người sang người, xác định và chăm sóc người nhiễm bệnh và hỗ trợ các chiến dịch thông tin công cộng ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng cần tập trung chống dịch Corona. Ảnh: GETTY IMAGES
Trước mắt, Quỹ Bill và Melinda Gates của vợ chồng tỉ phú Bill Gates đã cam kết quyên góp 100 triệu USD cho kế hoạch này của WHO.
Trước đó, tại buổi họp chuyên môn của WHO về chủng virus Cornona mới, đại diện đến từ Sudan cho biết nước này đang rất thiếu tiền phòng, chống dịch.
“Hiện chúng tôi đang thiếu tiền và vẫn đang chiến đấu với sáu dịch bệnh khác. Chúng tôi thực sự không muốn có thêm trường hợp nhiễm bệnh nào nữa” - đại diện đến từ Sudan nói với WHO.
Với sự hỗ trợ từ WHO, quốc gia Bắc Phi này sẽ xây dựng một khu cách ly mới, nhận thêm các dụng cụ xét nghiệm. “Nhưng Sudan vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ nữa” - vị này nói.
Sudan cũng cho biết nước này sẽ sơ tán 225 sinh viên đang mắc kẹt tại tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) từ ngày 5-2. Sudan nhanh chóng tiến hành động thái trên do nỗi sợ hãi đang gia tăng trong cộng đồng sinh viên tại đây khi bốn sinh viên Sudan được phát hiện nghi nhiễm virus Corona.
Ngưng chỉ trích Trung Quốc
Cũng trong buổi cuộc họp báo ngày 5-2, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus kêu gọi ngưng chỉ trích Trung Quốc đối với những phản ứng của nước này trong phòng chống dịch. Ông nói Trung Quốc sẽ đáng bị chỉ trích vì các phản ứng của họ với sự bùng phát của dịch Corona chỉ khi nào có sự xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng.
Ông Tedros nhắc lại chỉ trích của nhà nghiên cứu bệnh dịch John Mackenzie, thành viên của Ủy ban khẩn cấp của WHO, rằng Bắc Kinh đã giấu giếm báo cáo số lượng người nhiễm bệnh ngay những ngày đầu dịch Corona bùng phát.
“Một lần nữa, tôi nhắc lại phải kiểm tra điều này. Chúng ta sẽ có đánh giá hành động này sau để xem xét có sự giấu giếm gì ở đây không. Các nhà khoa học sẽ điều tra, tìm hiểu và cho chúng ta sự thật” - ông Tedros nói.
Ông nói thêm rằng nếu Trung Quốc thực sự che giấu các báo cáo trường hợp nhiễm bệnh thì số ca nhiễm sẽ cao hơn so với hiện giờ.
“Bây giờ là chúng ta cộng đồng toàn cầu, hãy tập trung vào các hành động chúng ta cùng làm ngay trong thời điểm này” - ông Tedros nhấn mạnh.
Hiện tại, số người nhiễm virus Corona trên toàn cầu là 28.262 người và 565 người tử vong, theo South China Morning Post. Đa số các trường hợp tử vong đều tại Trung Quốc đại lục, ngoài ra một người ở đặc khu Hong Kong và một người ở Philippines.
Nhân viên y tế thu thập mẫu bệnh phẩm virus Corona. Ảnh: GETTY IMAGES
WHO vẫn đang nghiên cứu cách điều trị virus Corona
Ngoài ra, hôm 5-2, các quan chức WHO đưa ra bình luận và nhận định về một số bài viết của giới truyền thông trước đó rằng các loại thuốc chống HIV như lopinavir và ritonavir có tác dụng hữu hiệu, giúp bệnh nhân chống lại virus Corona, theo South China Morning Post.
Theo Giám đốc phòng, chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu WHO - bà Sylvie Briand, một số loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona cũng đã được sử dụng trong đợt bùng phát hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) năm 2012.
“Đó là lý do các bạn hay nghe nói về những loại thuốc đó. Nhưng hiện vẫn chưa có sự chấp thuận chính thức và chúng tôi vẫn trong giai đoạn nghiên cứu” - bà Briand nói.
Bà Briand thông tin rằng tuần tới các chuyên gia sẽ có cuộc họp tại WHO về tìm kiếm sự chuẩn hóa trong các phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona và thảo luận “cách thức các loại thuốc khác nhau sẽ dùng để đặc trị chủng virus này”.