Đã xuất hiện nhiều “anh hùng” trong nạn dịch virus Corona ở Trung Quốc. Điều thú vị là các “anh hùng” này không phải những người đang đương đầu với cuộc chiến chống lại dịch bệnh, mà là những chiếc xe công trình đang tham gia xây dựng hai bệnh viện dã chiến ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi dịch phát sinh.
TP Vũ Hán đã bị phong tỏa hai tuần sau khi xuất hiện dịch, nội bất xuất-ngoại bất nhập, trừ một số trường hợp nhân viên y tế ra vào TP phục vụ cứu chữa bệnh.
Không chỉ ở Vũ Hán mà người dân ở tất cả địa phương có virus Corona trên lãnh thổ Trung Quốc đều được khuyến cáo ở trong nhà để tránh lây nhiễm, trừ trường hợp cực cần thiết bất khả kháng phải ra ngoài.
Ngày qua ngày quanh quẩn trong nhà thì làm gì cho đỡ chán? Người dân Vũ Hán và cả Trung Quốc đã tìm ra cách giải trí độc đáo cho mình.
Đó là theo dõi quá trình truyền hình trực tiếp (livestreams) công tác xây dựng hai bệnh viện dã chiến dành cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona điều trị.
Trung Quốc đang khẩn trương xây hai bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán để điều trị bệnh nhân nhiễm virus Conona. Ảnh: AFP
Hai bệnh viện đang được xây cấp tốc tại Vũ Hán. Bệnh viện Huoshenshan rộng 25.000 m2 sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 2-2 tới đây. Bệnh viện thứ hai tên Leishenshan sẽ được khánh thành ngày 5-2.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV là nơi trực tiếp đưa livestreams tiến trình xây hai bệnh viện. Và không thể ngờ chương trình livestreams này lại trở thành một cú hích lớn khi có quá đông người theo dõi.
Theo Thời báo Hoàn Cầu thì có tới 40 triệu người Trung Quốc tham gia xem livestreams xây hai bệnh viện ở Vũ Hán.
Chưa hết, chương trình livestreams này còn nổi tiếng cả ở nước ngoài. Cả hai kênh YouTube và Periscope cũng đưa livestreams quá trình xây hai bệnh viện phục vụ người xem bên ngoài Trung Quốc với hàng trăm ngàn lượt xem.
Sự nổi tiếng của các chương trình livestreams này đã mang lại “danh tiếng bất thường” cho các xe cộ, thiết bị tham gia xây dựng hai bệnh viện.
Theo dõi livestreams ngày qua ngày, dân Trung Quốc thân thuộc cả các thành phần trên công trường, thậm chí còn đặt tên riêng cho xe cộ, thiết bị tham gia xây dựng bệnh viện.
Các xe nâng và xe trộn xi măng được dân Vũ Hán đặt cả tên. Ảnh: SINA WEIBO
Các xe trộn xi măng có thêm những cái tên rất kêu như “Vua xi măng”, “Chú thỏ trắng lớn”, “Con lăn trắng”.
Một chiếc xe tải không mui chuyên chở các nguyên liệu xây dựng được đặt một cái tên trìu mến: “Anh bạn bò đỏ”.
Một số xe đào đất cũng có những cái tên trìu mến dựa theo màu sắc của mình, như “cậu bé vàng”, “cậu bé xanh”.
Nhiều người còn có trí tưởng tượng cao hơn. Một xe trộn xi măng được đặt trên Tống Huy Tông - tên vị hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 1100 đến năm 1126.
Người dùng WeChat còn tổ chức bầu chọn và xếp hạng chiếc xe họ yêu thích. Ảnh: WECHAT
CCTV mở một trang “dịch 24/7” trên WeChat để người dùng có thể bầu chọn chiếc xe họ yêu thích nhất.
Các “ngôi sao” nổi lên trong cuộc bầu chọn này được khoanh vùng, là những chiếc xe nâng màu vàng.
Trên trang Sina Weibo có nhiều hình ảnh phóng tác các chiếc xe nhỏ. Người dùng mô tả chúng là “những chiếc xe nâng nhỏ dễ thương và làm việc chăm chỉ”, “những cậu bé bảo vệ thế giới dễ thương nhất”.
Người Trung Quốc còn lập cả nhóm hâm mộ trực tuyến và tự đặt cho mình cái tên “những đốc công trực tuyến”.
Những chiếc xe nâng nhỏ là những “ngôi sao” được yêu thích nhất. Ảnh: SINA WEIBO
Theo đài BBC, chuyện người dân Trung Quốc tìm đến hình thức giải trí thay thế này không ngạc nhiên trong bối cảnh phần lớn đất nước đang bị phong tỏa. Nhiều TP lớn phong tỏa các tuyến vận tải. Hàng loạt công ty trong nước điều chỉnh lui giờ làm việc.
Các điểm giải trí như rạp chiếu phim bị đóng cửa. Ngày 28-1, nhà chức trách Trung Quốc thông báo sẽ giảm số chương trình giải trí trên truyền hình để “tăng cường sự chú ý của công chúng với công tác ngăn chặn dịch bệnh”.
Giáo viên Shi Wenxue giảng dạy tại Học viện Phim Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn cầu rằng chương trình livestreams quá trình xây hai bệnh viện khiến người dân cảm thấy liên quan hơn đến những gì đang diễn ra.
“Sự tham gia của các “đốc công” cho thấy sự lo lắng của người trẻ Trung Quốc với bệnh dịch” - theo giáo viên Shi.