Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Phố Downing cho biết Thủ tướng Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Vị này cho biết: "EU không nên bị dụ dỗ bởi những niềm tin sai lầm rằng Anh sẽ vẫn ở lại EU sau ngày 31-10”.
Ông Johnson nói rằng sẽ không yêu cầu trì hoãn thêm lần nào nữa, mặc dù tháng trước các nghị sĩ Anh đã thông qua một đạo luật nhằm yêu cầu ông phải hoãn Brexit nếu không đảm bảo một thỏa thuận sau hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới.
Nguồn tin từ Phố Downing nói rằng đạo luật này là "sẽ làm suy yếu các cuộc đàm phán nhưng nếu các nhà lãnh đạo EU tin rằng nó sẽ ngăn chặn một Brexit không thỏa thuận, thì đó là một sự hiểu lầm to lớn".
Thủ tướng Johnson khẳng định Anh sẽ rời EU có hoặc không có thỏa thuận vào cuối tháng 10 này, mặc dù theo luật, ông buộc phải tìm cách gia hạn để tránh Brexit "không thỏa thuận". Ảnh: REUTERS
Một phát ngôn viên từ điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Macron đã đồng ý rằng các cuộc đàm phán giữa nhóm đàm phán hàng đầu của EU do ông Michel Barnier dẫn đầu và các quan chức Anh nên tiếp tục trong những ngày tới "để đánh giá liệu có thể thỏa thuận được không".
Các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo họ phải điều chỉnh lại kế hoạch của mình trong vài ngày để đưa ra một thỏa thuận cuối tháng này, trong khi Anh cũng đang thúc giục EU đẩy mạnh các cuộc trao đổi về đề xuất Brexit.
Hiện nay, châu Âu đang tạm ngưng các yêu cầu từ Anh để tiếp tục thảo luận về các đề xuất vào cuối tuần qua và tiếp tục trong ngày 7-10, trước khi hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu.
Thư ký Brexit Stephen Barclay cho biết EU cần thể hiện "sự sáng tạo và linh hoạt" trước ngày 31-10, thời điểm ông Johnson tuyên bố “chấm dứt” cuộc hôn nhân 46 năm với EU có hoặc không có thỏa thuận.
"Chúng tôi đã đề ra các đề xuất rất nghiêm túc bao gồm cả sự thỏa hiệp về phía chúng tôi" - ông Barclay nói với đài BBC. "Chúng tôi cần phải tham gia vào các cuộc đàm phán chuyên sâu về văn bản để hiểu rõ hơn thỏa thuận này là gì".
Phía Thủ tướng Johnson đã đưa ra các đề xuất một cách nghiêm túc về Brexit trước hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: BBC
Trong cuối tuần qua, Thủ tướng Johnson cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte để thảo luận về các đề xuất từ Anh. Viết trên Twitter, ông Rutte cho rằng vẫn còn nhiều nghi vấn trong các đề xuất trên và phải được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh EU.
Tuy nhiên, theo AFP, nhà lãnh đạo Anh Boris Johnson đang hy vọng với việc ra đi mà không có thỏa thuận trong vòng ba tuần tới sẽ buộc phía EU phải thỏa hiệp.
Còn về vấn đề quản lý biên giới hậu Brexit giữa một tỉnh của Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU), trong đề xuất của mình, ông Johnson muốn tổ chức một hội nghị tại Bắc Ireland nhằm bỏ phiếu bốn năm một lần về việc có nên duy trì các quy định của EU hơn là của Anh hay không. Ngoài ra, ông Johnson đề nghị tỉnh này nên rời khỏi liên minh thuế quan của EU.
Phía Liên minh châu Âu tại Brussels nói rằng không cung cấp chi tiết, cơ sở để ký kết thỏa thuận.
Nhà lãnh đạo của Cộng hòa Ireland Leo Varadkar hôm 5-10 nói rằng có "nhiều thời gian" để đưa ra các lựa chọn thay thế và đã cố gắng sắp xếp một cuộc họp với Thủ tướng Anh Johnson vào tuần này, theo AFP.