Vụ luật an ninh Hong Kong: Ông Trump cảnh cáo sẽ xử rắn

Ngày 21-5, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đảo ngược các cam kết nhằm giữ gìn vị thế bán tự trị của Hong Kong, sau khi có thông tin Trung Quốc đang chuẩn bị thông qua luật an ninh quốc gia hạn chế các hành động chống đối ở đặc khu này.

“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ trong Tuyên bố chung Trung-Anh” - báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus.

Mỹ: Trung Quốc hủy hoại cam kết trong Tuyên bố chung Trung-Anh

Bà Ortagus muốn nói đến hiệp ước song phương Trung Quốc ký với Anh năm 1984 khi Anh trao trả Hong Kong về cho Bắc Kinh. Hiệp ước đảm bảo “quyền tự trị mức độ cao” cho Hong Kong.

Các cam kết trong Hiệp ước, theo bà Ortagus, là “yếu tố chủ chốt gìn giữ vị thế đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế, và với cách đối xử hiện tại của Mỹ với Hong Kong - phù hợp với luật pháp Mỹ”.

Người biểu tình Hong Kong mang cờ Mỹ xuống đường. Ảnh: SCMP

Bà Ortagus nói bước đi của Trung Quốc “hủy hoại các cam kết và nghĩa vụ (của Trung Quốc) với Tuyên bố chung Trung-Anh”.

“Bất kỳ nỗ lực nào để áp luật an ninh quốc gia không phản ánh mong muốn của người dân Hong Kong cũng mang tính mất ổn định cao, và sẽ gặp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế” - bà Ortagus cảnh cáo.

Ông Trump: Sẽ có phản ứng mạnh

Trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính phủ ông sẽ có phản ứng mạnh nếu Trung Quốc thông qua luật này.

“Nếu nó xảy ra chúng tôi sẽ xử lý chuyện này rất mạnh” - ông Trump nói với các nhà báo trong khi rời Nhà Trắng sang bang Michigan.

“Tôi không biết đó là gì, vì chưa ai biết cả” - ông Trump nói về thực chất dự luật của phía Trung Quốc.

Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chính phủ Trump cứng rắn

Phản ứng cũng xuất hiện tại Quốc hội Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi viết trên Twitter rằng động thái của Trung Quốc là một sự báo động. Theo bà, việc Bắc Kinh muốn vượt mặt hệ thống lập pháp của Hong Kong cho thấy một sự “hoàn toàn không tôn trọng quy định luật pháp”.

Một cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Nghị sĩ Jim McGovern - Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc cho rằng luật này đã đánh vào khung hệ thống một quốc gia, hai chế độ giữa Trung Quốc và Hong Kong. Ông McGovern đề nghị chính phủ ông Trump sử dụng Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong để phản ứng với Bắc Kinh. Theo nghị sĩ này, Mỹ nên “dẫn đầu một liên minh toàn cầu ủng hộ người dân Hong Kong”.

Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ thông qua năm ngoái. Luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cứ mỗi 6 tháng phải có đánh giá về mức độ tự trị của Hong Kong, và Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách thương mại của mình với đặc khu này theo đó.

Trong tuyên bố ngày 21-5 bà Ortagus không nói nếu luật an ninh quốc gia với Hong Kong được thông qua thì liệu Mỹ có tiếp tục đối xử với đặc khu này như trước hay không. Tuy nhiên đầu tháng này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết báo cáo về mức độ tự trị của Hong Kong được hoãn lại sau kỳ đại hội đảng sắp tới của Trung Quốc, để xem xét thêm các thay đổi chính sách với Hong Kong.

Anh, Liên minh châu Âu “theo dõi”

Tương tự Mỹ, Anh và một số nước châu Âu cũng lên tiếng phản đối.

Liên minh châu Âu nói phải tôn trọng kiểu mẫu “một quốc gia, hai chế độ”, và “tranh luận dân chủ ở Hong Kong và tôn trọng quyền và tự do là cách tốt nhất để giữ gìn nó”.

Ông Chris Patten - lãnh đạo người Anh cuối cùng ở Hong Kong cho dự luật của Trung Quốc là một cuộc “tấn công toàn diện” vào sự tự trị, quy định luật pháp và quyền tự do cơ bản của Hong Kong.

Ông Chris Patten - lãnh đạo người Anh cuối cùng ở Hong Kong. Ảnh: NOW TV

Bộ Ngoại giao Anh cho biết “đang theo dõi chặt tình hình” và hy vọng Trung Quốc sẽ “tôn trọng quyền và tự do mức độ tự trị cao của Hong Kong”.

“Là một bên của Tuyên bố chung, Anh gắn mình với việc giữ gìn sự tự trị của Hong Kong” - SCMP dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Anh.

Ông Tom Tugendhat - Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Quốc hội Anh đặt câu hỏi về ý định của Trung Quốc trong việc tôn trọng, duy trì Tuyên bố chung Trung-Anh.

“Các thay đổi đơn phương có thể hủy hoại quyền tự trị của Hong Kong và mang lại băn khoăn đối với quy định luật pháp vốn đã là nền tảng cho sự thịnh vượng của lãnh thổ này” – theo ông Tugendhat.

Theo ông, Anh, Mỹ và các nước khác đang quan sát hành động của Trung Quốc.

Ngày 21-5, báo South China Morning Post đưa tin Quốc hội Trung Quốc đang chuẩn bị thông qua luật an ninh mới đối với Hong Kong. Dự thảo luật sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội thường niên dự kiến bắt đầu từ ngày 22-5 tới.

Họp báo ngày 21-5, ông Zhang Yesui - người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc xác nhận luật này sẽ được xem như một nghị quyết về “thành lập một hệ thống luật pháp và cơ chế thi hành để bảo vệ an ninh quốc gia ở đặc khu Hong Kong”.

Theo một nguồn tin từ chính phủ đại lục, luật an ninh sẽ cấm tất cả hoạt động bạo loạn ở Hong Kong nhằm mục đích lật đổ chính phủ trung ương, cũng như cấm mọi sự can thiệp bên ngoài vào các vấn đề Hong Kong.

Theo nguồn tin của SCMP, sở dĩ chính phủ đại lục phải bắt tay ra luật an ninh này vì tự thân chính quyền Hong Kong không thể thông qua luật này, do sẽ có “nhiều chính trị gia đối lập” phản đối.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm