Khu rừng lộc vừng với tuổi đời hơn 400 năm. Ảnh: B.THIÊN

Rừng lộc vừng hơn 400 năm tuổi vô cùng quý hiếm ở Quảng Bình

(PLO)- Ở Quảng Bình, có một rừng lộc vừng được xem là “báu vật” của dân làng với những cây cổ thụ độc nhất vô nhị có tuổi đời hơn 400 năm.

Trải qua hơn 400 năm, cánh rừng lộc vừng tại thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình vẫn tỏa bóng um tùm trên mặt nước, có những cây to hai người ôm không xuể.

Rừng lộc vừng nhân chứng lịch sử

Theo nhiều cao niên trong làng, rừng lộc vừng được tiền nhân làng Phú Thọ trồng khoảng 400 năm trước trên diện tích khoảng hai héc ta với khoảng 1.000 gốc. Trước khi lập làng, rừng lộc vừng đã có từ lâu.

rừng lộc vừng
Ông Châu hướng ánh mắt về phía khu rừng lộc vừng với tuổi đời hơn 400 năm. Ảnh: B.THIÊN

Rừng lộc vừng được trồng thành từng dãy, mỗi cây cách nhau từ khoảng 10-12m nhằm mục đích che gió, chắn sóng Kiến Giang bảo vệ làng vào mỗi mùa mưa lũ.

Đặc biệt, trong những năm kháng chiến, khu rừng lộc vừng này còn là nơi trú ẩn và tập luyện lý tưởng của lực lượng bộ đội chủ lực. Do đó, cánh rừng hơn 400 năm tuổi này tồn tại như một chứng nhân lịch sử được dân làng xem là vùng đất thiêng bất khả xâm phạm.

“Rừng lộc vừng hay còn gọi là rừng mưng đối với làng Phú Thọ có ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc. Nó là nhân chứng gắn với sự mất còn và thịnh suy của làng. Trong các cuộc kháng chiến, dưới các gốc lộc vừng này có những lùm cây phủ lên dày đặc, tạo thành nơi trú ẩn và luyện tập của bộ đội.

Vào mùa mưa lũ, cánh rừng lộc vừng còn trở thành một ‘lá chắn’ chắn sóng, giữ làng”- Cựu chiến binh Nguyễn Minh Châu (70 tuổi, trú thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ) chia sẻ.

khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (9).jpg
Rừng lộc vừng được trồng thành từng dãy trên diện tích khoảng 2 héc ta. Ảnh: B.THIÊN

Sinh trưởng giữa vùng ngập nước ven sông, rừng lộc vừng đã dần trở thành “lá phổi” xanh của người dân cả thôn Phú Thọ. Ở đây chủ yếu là cây lộc vừng hoa đỏ, xen lẫn trong đó là một số ít cây lộc vừng hoa trắng và cây rau vừng.

Cây lộc vừng già, vỏ xù xì, cành chằng chịt, thế trực tự nhiên không “dao kéo” nên càng gợi sự trầm mặc, hoang sơ đối nghịch hoàn toàn với nhịp sống đô hội đã len lỏi về ngôi làng ven sông này.

Một năm hai mùa nở hoa, rừng lộc vừng nhuốm đỏ cả một vùng trời. Vào mùa thu, lá rừng lộc vừng đổi màu vàng cam. Sang mùa xuân, những chồi non đầy sức sống khiến nơi đây trở thành một điểm tham quan lý tưởng của du khách.

khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (7).jpg
Cây lộc vừng già, vỏ xù xì có tuổi đời hàng trăm năm được người dân gìn giữ. Ảnh: B.THIÊN

Ngoài ra, với đặc trưng là loại cây thân gỗ có tán rộng nên rừng lộc vừng ở Phú Thọ còn là nơi nghỉ chân của người dân sau những giờ làm việc đồng áng nóng bức hay khi đánh cá trên sông.

Dân làng ra sức bảo vệ, trả tiền tỉ không bán

Với người dân thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, rừng lộc vừng không chỉ là tài sản vô giá ông cha để lại mà còn là niềm tự hào, là “linh hồn” của làng quê. Vì vậy, người dân nơi đây rất trân trọng và ra sức bảo vệ rừng cây.

khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (6).jpg
khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (2).jpg
Những thế cây độc đáo trong khu rừng lộc vừng này đều tự nhiên không qua "dao kéo". Ảnh: B.THIÊN

Trong số 1.000 gốc cây, có khoảng 300 cây đường kính trên một mét, nhiều cây lâu năm hai người ôm không xuể. Để giữ “lá phổi” này của làng, các bô lão trong thôn đã ra một hương ước dành riêng cho người dân trong thôn. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng và đưa ra kiểm điểm, làm gương trước cộng đồng.

Ngoài hương ước, thôn Phú Thọ lập ra hẳn một ban bảo vệ rừng lộc vừng gồm cựu chiến binh, công an viên của thôn…thường xuyên tuần kiểm tra, nhất là vào thời điểm “sốt” cây lộc vừng.

khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (8).jpg
Nhiều gốc cây lộc vừng hai người ôm không xuể. Ảnh: B.THIÊN

“Hồi xưa, cây lộc vừng chẳng mấy quý giá nhưng độ 5-7 năm trước, phong trào chơi lộc vừng rộ lên. Dân chơi cây cảnh và các đại gia miền Bắc, miền Trung coi lộc vừng là cây phát tài, phát lộc. Nhiều gốc lộc vừng cổ thụ thế đẹp trong rừng được rao mua với giá tiền tỷ nhưng người dân trong thôn nhất quyết không bán”- ông Lê Văn Thương, Trưởng thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho hay.

Trong hương ước làng Phú Thọ, ngoài ghi rõ về việc bảo vệ rừng lộc vừng, mọi quyết sách liên quan đến cánh rừng này đều phải được dân làng thông qua, trở thành một “việc làng” đúng nghĩa.

“Mỗi lần họp làng, ban cán sự thôn không lúc nào quên nhắc nhở người dân gìn giữ rừng lộc vừng ‘báu vật’ của làng trước sự nhòm ngó ngày một nhiều của những tay săn cây cảnh. Dù chỉ là một gốc cây nhỏ, muốn đưa đi triển lãm hay trưng bày đều phải thông qua ý kiến của bà con trong thôn” - ông Nguyễn Minh Châu cho biết.

khu-rung-quy-o-quang-binh-voi-tuoi-doi-hon-400-nam (3).jpg
Nhiều cây lộc vừng lâu năm, cành vỏ xù xì, chằng chịt. Ảnh: B.THIÊN
quả cây rừng lộc vừng
Quả lộc vừng buông xõa những chuỗi hạt dài đu đưa theo gió. Ảnh: B.THIÊN

Hiện nay, để giảm áp lực của công tác giữ rừng, đã có một số cá nhân thử nghiệm ươm cây giống từ những hạt lộc vừng của các gốc cổ thụ để cung cấp cho các trang trại cây cảnh. Qua đó, đưa giống cây rừng lộc vừng của làng Phú Thọ đến với những vùng đất mới.

“Làng Phú Thọ, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình là nơi sinh sống của khoảng 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Rừng lộc vừng sinh ra giữa vùng ven sông bốn mùa ngập nước, hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt dẫn đến xói lở đất, rác thải bủa vây. Do đó, địa phương này mong muốn các cấp hỗ trợ kinh phí để chăm sóc, bồi đắp và làm sạch rừng lộc vừng nhằm bảo tồn những giá trị nguyên bản”- ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thuỷ cho biết.

Đọc thêm