UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) giai đoạn 2021 – 2030.
Đề án được thực hiện trong phạm vi diện tích 845 ha thuộc Khu bảo vệ cảnh quang rừng tràm (BVCQRT) Trà Sư. Trong đó có 159 ha đã cho Công ty Cổ phần du lịch An Giang thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái (chiếm 18,8%) từ năm 2017. Trong giai đoạn năm 2021 - 2030 không cho thuê môi trường rừng và không tăng diện tích môi trường rừng đã cho thuê.
Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ảnh: HD
Theo Đề án này, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ đi xuồng tham quan rừng và đất ngập nước; nghe trình bày trên tuyến du lịch ở hiện trường. Trong khu nhà diễn giải môi trường, khách du lịch trải nghiệm về tự nấu các món ăn truyền thống bằng nguyên liệu đặc sản của tỉnh An Giang để hiểu được giá trị văn hóa thông qua nghe giới thiệu về nguồn gốc thực phẩm, văn hóa ẩm thực, giá trị dinh dưỡng.
Ngoài ra, Đề án cho phép Ban Quản lý rừng Phòng hộ và đặc dụng (PH&ĐD) tỉnh xây dựng, nâng cấp đường dẫn từ Trạm bảo vệ rừng Trà Sư trên tuyến đê Nhơn Thới đến Khoảnh 6a phục vụ cho du lịch sinh thái. Xây dựng bến thuyền xuất phát từ Khoảnh 6a để đưa khách tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái.
Đồng thời đơn vị xây dựng một bãi cắm trại để làm nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, có tháp vọng cảnh, các quầy giải khát, nơi tổ chức trò chơi hỏi đáp về những điều khách thu nhận được trên tuyến du lịch như giải pháp tuyên truyền, giáo dục môi trường.
Khu bến thuyền hiện tại ở khu du lịch rừng tràm Trà Sư. Ảnh: HD
Bằng việc đầu tư các sản phẩm du lịch của đề án nhằm tạo ra phong cách và thương hiệu mang đẳng cấp cao, vừa thể hiện ở tính hiện đại trong kiến trúc xây dựng, vừa thể hiện ý thức tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, hệ sinh thái và môi trường của nhà đầu tư và khách du lịch; góp phần duy trì thương hiệu du lịch Trà Sư một cách lâu dài, bền vững.
Đề án cũng đặt ra các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái là không đánh đổi hệ sinh thái rừng Tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Song song song đó phải duy trì được nét hoang sơ, mang đậm tính “thiên nhiên” của khu rừng ngập nước; lượng khách phải hợp lý, không làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái. Phải đảm bảo sự hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà đầu tư với chủ rừng và cộng đồng dân cư trên địa bàn
Rừng Trà Sư hướng đến thành điểm du lịch đẳng cấp quốc tế
Trong giai đoạn 10 năm tới, việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Khu BVCQRT Trà Sư được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Quản lý rừng PH&ĐD tỉnh An Giang nhằm góp phần bảo tồn rừng đặc dụng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.
Chiến lược này hướng đến từng bước nâng tầm Khu BVCQRT Trà Sư trở thành một điểm du lịch có đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Khu BVCQRT Trà Sư là hệ sinh thái đất ngập nước, việc quản lý phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái, nghĩa là sử dụng một cách bền vững, khôn khéo tài nguyên đất ngập nước trong khi vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim nước và cảnh quan thiên nhiên.
Việc sử dụng các tài nguyên này và việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cần theo hướng hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được giá trị thiên nhiên vô cùng quý giá bởi nét hoang sơ, nguyên vẹn.