Sáu chữ của Thủ tướng về quan hệ với Trung Quốc

Trong phiên trả lời chất vấn chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận không ít câu hỏi xoáy sâu vào vấn đề biển Đông, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đặt trong bối cảnh Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 nhưng trước đó đã tiến hành hàng loạt cải tạo phi pháp trên các đá, bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Pháp Luật TP.HCM xin trích lại các câu hỏi cùng phần trả lời chất vấn của Thủ tướng về những nội dung này.

Cần sự chân thành trong hợp tác

. Thượng tọa Thích Thanh Quyết: … Xin Thủ tướng cho biết quan điểm của Đảng và Nhà nước về biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu, súc tích đầy đủ nhất?

. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán. Đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi,…

Ta với Trung Quốc mãi mãi là láng giềng, dù mưa, nắng, bão lũ gì cũng là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn hai bên chân thành, hợp tác, gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ, tinh thần bốn tốt  để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng giữa hai nước về biên giới biển, đảo theo Công ước LHQ và Luật Biển 1982.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Còn đại biểu yêu cầu nói một cách ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, vấn đề khó… nhưng tôi xin nêu khái quát trong sáu chữ là: “Vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Không chỉ với Trung Quốc mà các nước cũng thế. Vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng thịnh vượng; vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của nước ta.

. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa): Khi giàn khoan Hải Dương 981 chưa ra khỏi vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện mạnh mẽ cải tạo phi pháp các đá, bãi đá, Gạc Ma, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đã cưỡng đoạt. Đó là kế sách không đánh mà thắng nhằm độc chiếm biển Đông. Cử tri cả nước quan tâm đặc biệt đến tình hình trên mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?

+ Thủ tướng: Chúng ta ngồi đây và đồng bào cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế đó, chúng ta cùng các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC). Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình; mọi tranh chấp giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; không dùng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết. Việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn đảo Ba Bình là đảo lớn nhất ở Trường Sa là vi phạm DOC.

Lập trường của chúng ta là phản đối điều này. Lập trường này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần nêu rõ. Tại hội nghị cấp cao ASEAN và rất nhiều hội nghị khác (có sự tham gia của Trung Quốc - NV) vừa rồi, thay mặt Chính phủ tôi đã phát biểu nêu rõ và nhấn mạnh lập trường này…

Bộ riêng về biển: Sẽ nghiên cứu

. Đại biểu Đỗ Văn Đương: … Để “dang tay giữ biển Đông ngàn dặm” thì thời gian tới cần bớt đầu tư công trong bờ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Và theo đó thì nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển, đảo?

+ Thủ tướng: Việc bớt đầu tư trên bộ để đầu tư trên biển rất khó rạch ròi. Nhiều khi chúng ta đầu tư trên bộ nhưng là để cho biển chứ không phải chỉ có đầu tư trên biển mới là cho biển. Vấn đề là chúng ta đầu tư sao cho hiệu quả và khai thác biển một cách tốt nhất.

Về ý kiến cần có bộ về biển đã có nhiều người nêu nhưng để lập một bộ mà quản lý tất cả lĩnh vực liên quan đến biển, từ việc khai thác thủy sản, dầu khí, du lịch đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh hàng hải là khó khả thi. Hiện nay quản lý của Chính phủ theo hướng Bộ TN&MT quản lý về tài nguyên biển, khai thác thủy sản giao Bộ NN&PTNT, vận tải biển thì Bộ GTVT… Cho nên các lĩnh vực kinh tế biển khó chia tách rạch ròi mà cũng khó tổng hợp chung để giao cho một bộ. Nhiệm kỳ này chúng tôi đang chỉ đạo tổng kết đánh giá làm sao cho các lĩnh vực có phân công quản lý, trong đó có bộ chủ trì và bộ phối hợp. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của đại biểu và nghiên cứu tiếp cho nhiệm kỳ sau.

THU HẰNG - THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm