Sau Mỹ, Anh cũng quy kết Iran đứng sau vụ cháy tàu vịnh Oman

Mỹ đã cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ việc hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman hôm 13-6. Hôm nay, Anh cũng chính thức lên tiếng đổ lỗi cho nước này, nói rằng không một quốc gia hay tổ chức nào khác có thể chịu trách nhiệm về vụ việc trên ngoài Iran.

Hôm 14-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đích danh Iran đứng sau vụ tấn công. Ngoài ra, máy bay quân sự Mỹ tung một đoạn phim chi tiết một chiếc tàu Iran đang di chuyển dọc theo một trong những chiếc tàu chở dầu bị tấn công và gỡ bỏ một quả ngư lôi chưa nổ ra khỏi tàu. 

“Những hình ảnh chụp tàu bè tại hiện trường cho thấy Iran đã thực hiện các vụ tấn công nhắm vào tàu dầu… Iran không thể đóng cửa eo biển Hormuz trong thời gian dài” - ông Trump trả lời hãng tin Fox News.

Một trong hai chiếc tàu chở dầu bị tấn công và bốc cháy trên vịnh Oman. Ảnh: REUTERS

Vào tối 14-6, Anh cũng theo Mỹ quy kết rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Sau khi thảo luận tình báo nội bộ, Bộ Ngoại giao Anh đã đưa ra tuyên bố "Hầu như chắc chắn rằng một chi nhánh của quân đội Iran - Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã tấn công hai tàu chở dầu vào ngày 13- 6. Không một quốc gia hay tổ chức nào khác có thể chịu trách nhiệm về vụ việc trên".

Ngoài ra, Anh cũng dẫn chứng về cuộc điều tra vụ tấn công bốn tàu chở dầu gần cảng Fujairah, UAE hôm 12-5, cho thấy nó được thực hiện bởi một quốc gia có kỹ thuật tiên tiến để hoạt động tinh vi như vậy. Thêm vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao, Jeremy Hunt cũng lên án hành động này gây bất ổn và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho khu vực. Đồng thời kêu gọi Iran khẩn trương chấm dứt mọi hình thức hoạt động gây bất ổn và nhấn mạnh Anh vẫn phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để tìm giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng.

Mỹ đưa ra hình ảnh cho rằng lực lượng Iran đang gỡ mìn còn sót lại bên hông một chiếc tàu chở dầu bị tấn công. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres kêu gọi một cuộc điều tra độc lập.

"Điều quan trọng lúc này là tìm ra sự thật, để biết ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công. Rõ ràng điều đó chỉ có thể thực hiện nếu có một bên độc lập xác minh những sự thật đó" - ông Guterres nói với các phóng viên.

Được biết, hôm 13-6, hai tàu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản bị hư hại do những vụ nổ chưa rõ nguyên nhân khiến thủy thủ đoàn buộc phải bỏ tàu tại vùng biển giữa Iran và các nước vùng vịnh Ả Rập.

Có thông tin 21 thủy thủ rời tàu sau đó đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ Iran cứu. Một số thủy thủ đang được chăm sóc y tế tại Jask.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ lại cho rằng Iran hiện đang bắt giữ các thủy thủ của tàu Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy. Trong đó có 11 người Nga, 11 người Philippines và một người Georgia.

Đáp lại các cáo buộc của Mỹ và một số nước thân Mỹ, giới chức Iran cho rằng các cuộc tấn công chính là một âm mưu phức tạp đến từ các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, UAE hoặc Israel. Iran cho rằng nhóm đồng minh muốn thúc giục Washington sử dụng cách tiếp cận “cứng rắn” hơn với Iran, theo tờ New York Times. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 14-6 đã viết trên Twitter cá nhân, lên án các cáo buộc của Mỹ là một phần của chiến thuật “ngoại giao phá hoại và che giấu cuộc khủng bố kinh tế” mà Mỹ tạo ra để “nhằm vào Iran”.

Theo tờ New York Times, sự thù địch giữa Washington và Tehran bắt đầu tăng lên một năm trước khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran. Mỹ còn ban hành lệnh trừng phạt kinh tế với đất nước 80 triệu dân này.

Sau đó, ông Trump tiếp tục đưa ra các yêu cầu Iran thay đổi chính sách đối với khu vực. Hồi tháng 4-2019, chính quyền Mỹ đã tăng áp lực bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với ngành dầu mỏ của Iran, khiến ngành kinh tế huyết mạch của nước này phải rơi vào thế khó khăn. Trầm trọng hơn, ông Trump cũng liệt lực lượng Vệ binh cách mạng tinh nhuệ của Iran vào danh sách các nhóm khủng bố. Sang tháng 5, chính quyền Trump tuyên bố họ sẽ điều động một nhóm tàu s ân bay tới vịnh Ba Tư để ngăn chặn.

Đáp lại động thái trên, các nhà lãnh đạo Iran đã đe dọa sẽ chặn eo biển Hormuz, một điểm yết hầu ở vịnh Ba Tư. Động thái này nhằm kiểm soát việc lưu thông dầu mỏ đến Mỹ và các nước phương Tây. Iran cũng đã thực hiện các bước ban đầu để mở rộng khả năng làm giàu uranium. Cùng với đó, một số đồng minh của Iran trong khu vực đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các đồng minh của Washington, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới